Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Nhọc nhằn cuộc sống tha hương

Thứ ba, 16/05/2017 | 22:14
Cuộc sống mưu sinh chưa bao giờ là dễ dàng dù ở nơi đâu, trên đất mẹ Việt Nam thân yêu hay là ở nơi đất khách quê người. 

Đặc biệt là cuộc sống của đồng bào người Việt xa xứ, ngày càng khó khăn hơn trong sự khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, những biến động của của nền kinh tế thị trường nước sở tại... nỗi khổ ấy không chỉ là về sức lực mà cả sự thiếu thốn về tinh thần

 

Nhọc nhằn cuộc sống tha hương
Chợ 7km - nơi làm việc của phần lớn người Việt tại Odessa

Đọc bài thơ của bác Doãn Thanh Tùng mới đây trên báo người Việt Odessa và cả những trải nghiệm đã qua, trong thời gian sống và học tập ở thành phố này, tôi càng thấu hiểu được hơn bao nỗi cơ cực, nhọc nhằn của các bác, các cô chú đang sinh sống và làm việc ở nơi đây. 
Đúng như trong những câu thơ bác Thanh Tùng viết: 

“Sống ở bên này giống đi "tu"
Quanh năm chợ búa rất chỉn chu
            Ốm đau vẫn chợ không ngày nghỉ
        Chỉ sợ chi nhiều chẳng đủ thu”

Tôi chợt nhớ gia đình cô chú, nơi tôi đến dạy tiếng Việt cho em. Có lần chú đau đột xuất phải vào viện cấp cứu. Chú nằm trong viện một mình, cô vẫn phải chạy chợ rồi về lại vào viện mang cơm cho chú, đến tận đêm mới về đến nhà. Em nhỏ mới có mấy tuổi, đi làm hay vào viện cô đều phải bế em theo. Một mình cô vừa gánh vác việc chợ, vừa lo việc nhà, trông cô mệt mỏi đến phờ phạc, tôi thấy thương cô chú vô hạn mà không thể giúp được gì. Một ngày bán có được mấy đồng nhưng vẫn phải mở vì bao nhiêu thứ tiền phải trả, rồi lại tiền viện, tiền thuốc lúc ốm đau…

Xa quê hương, có nghĩa là thiếu thốn tình cảm, ở nơi xứ người không có cái không khí các ngày lễ của quê hương đất nước mình, các cô các bác vẫn phải đi làm, có lúc ngồi được với nhau, lại nao lòng nhớ về quê hương, gia đình, bè bạn.
Tôi cũng biết có các cô chú, không chỉ qua đây làm lụng để nuôi sống bản thân, gia đình nhỏ của mình mà còn phải chắt chiu, dành dụm từng đồng gửi về cho bố mẹ, người thân ở nhà. Dưới “cái mác Việt kiều”, là đi Tây, ra nước ngoài, những tưởng, chất lượng cuộc sống sẽ cao hơn, là đồng lương kiếm được nhiều hơn so với ở nhà, nhưng đằng sau đó, là bao nhiêu những đắng cay, tủi cực, những giọt nước mắt, và có khi là cả nguy hiểm đến tính mạng. Như mới đây thôi và đã từ lâu những vụ bị cướp của bà con người Việt mình ở chợ không còn gì xa lạ. Thế mới biết, đâu chỉ ở nhà, những lúc trở trời mưa hạn, mất mùa, việc làm ăn ở bên này cũng bấp bênh không kém. Cái “mác” ấy là sự đánh đổi biết bao nhiêu điều, có cả mồ hôi và xương máu.
Thế nhưng, công việc khó khăn, vất vả là vậy, nhưng các bác, các cô chú ở đây vẫn luôn giữ gìn, phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam, tính cần cù, bền bỉ, trọng tình trọng nghĩa, tình cảm vợ chồng khăng khít đồng thuận, cùng dựa vào nhau để sống, chăm lo cho gia đình và việc học hành của con cái. Chú tôi đã khỏe lại, thỉnh thoảng chú vẫn cứ trêu tôi, rằng kiếm lấy một người làm chỗ dựa cho mình về tinh thần, cùng động viên nhau cố gắng, những lúc đi đâu xa, hay về thăm lại quê hương giữa sự đông đủ mọi người, mới thấy càng thương nhớ hơn bao giờ hết ân nghĩa vợ chồng, những năm tháng đồng cam công khổ, chia bùi sẻ ngọt có nhau. 

“Tại bởi bên này vốn quanh năm
Chồng làm, vợ lụng rất là chăm
Vui buồn chia sớt, đồng cam khổ
Xa nhà, xa vợ, nhớ mới "hâm".”

Bên cạnh việc lo cho công việc của gia đình, các bác các cô chú còn luôn quan tâm đến các hoạt động cộng đồng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống, các hoạt động tương thân tương ái hướng về tổ quốc. Tôi, một sinh viên xa nhà, đến thành phố này học tập, tôi thấy mình thật may mắn luôn được các bác, các cô quan tâm, luôn gọi mình bằng hai từ thân thiết “cháu gái”, làm cho tôi luôn có cảm giác như ở nhà, bớt đi nỗi nhớ ba mẹ, bạn bè trong những năm tháng học tập nơi nước bạn.

Bài thơ của bác Thanh Tùng ngắn gọn mà  cô đọng, ngôn ngữ bình dị pha chút hóm hỉnh, hài hước như cuộc sống hằng ngày có những vất vả như thế, nhưng mọi người vẫn tiếp nhận nó bằng đôi mắt của sự lạc quan, vui vẻ, cười cái nhọc nhằn, để lấy niềm tin, hi vọng hướng về tương lai.

Trần Xuyến.