Tổng thống UKraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc hội đàm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/9 đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng. Hai bên tập trung trao đổi về hợp tác an ninh và quốc phòng cũng như các vấn đề liên quan tới lĩnh vực năng lượng và khí hậu.
Tại buổi gặp, ông Biden khẳng định Mỹ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước những hành động “hung hăng” từ phía Nga. Đồng thời ông thông báo khoản viện trợ an ninh mới trị giá 60 triệu USD cho Ukraine.
Nhân dịp này, 2 nước đã ra một tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược, trong đó lưu ý rằng các nước này tiếp tục phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ có kế hoạch thực hiện các biện pháp phù hợp với quy định luật pháp và ngoại giao năng lượng, trong đó có việc bổ nhiệm một cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng.
“Chính phủ hai nước Ukraina và Mỹ ủng hộ các nỗ lực nhằm gia tăng công suất cung cấp khí đốt sang Ukraina từ các nguồn đa dạng hóa", tuyên bố viết.
Dự kiến các hành động của Mỹ sẽ giúp duy trì vai trò trung chuyển khí đốt và đảm bảo an toàn cho các nguồn cung cấp của Ukraine "trong giai đoạn chuyển tiếp năng lượng hiện nay".
Giới chức Mỹ khẳng định việc sử dụng năng lượng như một vũ khí địa chính trị là không thể chấp nhận được.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 8 đã bổ nhiệm ông Amos Hochstein làm Cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng. Ông Hochstein sẽ phụ trách đàm phán về những vấn đề địa chính trị liên quan đến dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết việc bổ nhiệm ông Hochstein nhằm "chống đối những nỗ lực của Điện Kremlin trong việc sử dụng năng lượng như một vũ khí địa chính trị", cũng như mang lại "một tương lai năng lượng an toàn và bền vững hơn cho Ukraine và những nước thành viên NATO và EU đang ở trên tuyến đầu".
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.
Việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia, trong đó Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Moscow ngày 20/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chỉ còn 15km là hoàn thành dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Theo baomoi.com