Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Ukraina hủy bỏ Hiệp ước Hữu nghị với Nga - Liệu sẽ có chiến tranh?

Thứ bảy, 15/12/2018 | 13:57
Ở thời điểm này, có thể nói rằng một kỷ nguyên quan hệ giữa Ukraina và Nga đã kết thúc. Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đã ký phê chuẩn Luật chấm dứt hiệu lực Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraina và Liên bang Nga, được Quốc hội Ukraina thông qua ngày 6/12/2018. Về phương diện chính thức, Hiệp ước sẽ không còn hiệu lực kể từ ngày 1/4/2019.

Một số chuyên gia nghiên cứu chính trị không loại trừ khả năng xảy ra căng thẳng nhất định trong quan hệ giữa hai nước từ sau ngày 1/4/2019. Tuy nhiên, đại bộ phận giới phân tích đều nhất trí rằng, việc cứ để mọi chuyện diễn ra như từ trước đến nay, ở thời điểm này, đã là điều không thể chấp nhận.

Tại sao Ukraina quyết định chấm dứt hiệu lực Hiệp ước Hữu nghị với Nga?

Trong phiên họp ngày 6/12/2018, Quốc hội Ukraina đã biểu quyết thông qua dự luật về chấm dứt hiệu lực Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraina và Liên bang Nga. Tài liệu này trước đây được ký kết vào ngày 31/5/1997, giữa Tổng thống Ukraina khi đó là Leonid Kuchma và Tổng thống Liên bang Nga Boris Eltsin. Hiệp ước sau đó đã được Quốc hội Ukraina phê chuẩn ngày 14/1/1998 và Duma quốc gia Liên bang Nga phê chuẩn ngày 25/12/1998, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/1999.

Toàn văn Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraina và Liên bang Nga gồm 41 điều, bao trùm toàn bộ các mối quan hệ giữa hai nước - từ quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giao thông và năng lượng, cho đến phối hợp trong hoạt động khoa học và nghệ thuật, cũng như vấn đề khắc phục hậu quả thiên tai và các trường hợp khẩn cấp khác. Đặc biệt, Điều 2 Hiệp ước quy định: “Hai bên có trách nhiệm tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau và khẳng định đường biên giới bất khả xâm phạm giữa hai nước”. Điều 3 quy định: “Hai bên cùng hướng tới xây dựng quan hệ song phương trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bất khả xâm phạm biên giới, giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình và không sử dụng vũ lực”.

Những nguyên tắc cơ bản trên đây đã bị Nga vi phạm thô bạo bằng hành động thôn tính Crưm và gây hấn tại Miền Đông Ukraina năm 2014. Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraina và Liên bang Nga đã không giúp được gì trong cả hai sự kiện này. Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội Ukraina cho rằng, sự tồn tại của Hiệp ước này đã không còn ý nghĩa gì nữa.

Theo ý kiến của đại biểu Dmitry Tymchuk - chuyên gia quân sự, thành viên Ủy ban An ninh quốc gia và Quốc phòng của Quốc hội Ukraina - chính Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã thừa nhận Kremlin tổ chức chiến dịch chiếm Crưm của Ukraina. Điều đó cho phép Kiev tuyên bố Nga đã vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác.

Cần biết rằng, quyết định của Quốc hội Ukraina không có nghĩa là Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraina và Liên bang Nga sẽ bị chấm dứt hiệu lực ngay tức khắc. Theo quy định của điều 40, Hiệp ước có thời hạn 10 năm và sẽ nghiễm nhiên được gia hạn 10 năm nữa, nếu không một bên nào tuyên bố từ chối gia hạn, trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng trước khi Hiệp ước hết hạn.

Năm 2008, Hiệp ước đã được gia hạn thêm 10 năm theo cách trên đây và có hiệu lực đến hết ngày 31/3/2019. Đến nay, Ukraina đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy trình, bằng việc thông báo cho phía Nga từ tháng 9 năm 2018 về quyết định không tiếp tục gia hạn Hiệp ước. Như vậy, từ ngày 1/4/2019, Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraina và Liên bang Nga sẽ chính thức đi vào dĩ vãng.

Hết hữu nghị là sẽ có chiến tranh?

Theo lời ông Dmitry Tymchuk, việc Ukraina chấm dứt hiệu lực Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác không có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga. Ông cho biết, cùng với việc thông qua Luật này, Quốc hội Ukraina đã quyết định rời khỏi 49 văn bản hợp tác song phương giữa Ukraina và Liên bang Nga, trong khi khoảng 340 văn bản khác vẫn có hiệu lực thi hành.

Thậm chí, kể cả trong trường hợp hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao, thì vẫn sẽ có hoạt động lãnh sự được duy trì, để bảo vệ quyền lợi của công dân hai bên mà không cần những thỏa thuận chính thức.

Đại biểu này cho biết, Ukraina hiện đang xây dựng quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới mà không cần ký kết Hiệp ước Hữu nghị. Vì vậy, sau khi Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraina và Liên bang Nga kết thúc hiệu lực vào ngày 1/4/2019, quan hệ giữa hai nước sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, được điều phối trong khuôn khổ thông lệ và luật pháp quốc tế.

Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, liệu việc hủy bỏ Hiệp ước Hữu nghị có vô tình trở thành hành động tiếp tay cho Moskva gây chiến, vì họ đã không còn trách nhiệm phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina nữa? Dĩ nhiên, lý do dẫn đến tâm lý lo ngại này hiển nhiên là có. Cách đây không lâu, Tổng thống Petro Poroshenko đã công bố thông tin về lực lượng lớn quân đội Nga đang áp sát biên giới Ukraina, với hơn 80 nghìn quân, gần 1400 hệ thống tên lửa và pháo dàn, 900 xe tăng, 2300 xe bọc thép, hơn 500 máy bay và 300 trực thăng. Trong một cuộc phỏng vấn cho hãng Reuters, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraina - tướng Victor Muzenko - cũng khẳng định hiện nay lực lượng quân Nga ở khu vực gần biên giới Ukraina còn lớn hơn so với thời điểm năm 2014.

Mặc dù vậy, ông Dmitry Tymchuk, với tư cách là một chuyên gia về thông tin quân sự, cho biết, chính quân ly khai Donbass hiện đang lo ngại bị tấn công sau khi Ukraina ban bố lệnh thiết quân luật. Vì vậy, họ đang nỗ lực tăng cường phòng thủ và không có ý định tấn công.

Quả thực là tại hai “nước cộng hòa” tự xưng DNR và LNR hiện đang có những tin đồn về hai kế hoạch tấn công của Quân đội Ukraina để giành lại lãnh thổ đến tận biên giới với Nga - một từ hướng Gorlovka và một từ hướng Mariupol. Theo lời ông Tymchuk, quân ly khai tin rằng sẽ bị tấn công, nên đã triển khai xây dựng phòng tuyến ở một số điểm và tiến hành điều chuyển quân, bổ sung vũ khí, trang thiết bị cho các đơn vị chiến đấu. Tuy nhiên, cũng theo lời ông, lực lượng quân ly khai đang bị thiếu người và phương tiện khí tài, thông thường các đơn vị chỉ được trang bị không quá 50-60% so với quy định.

Phía Nga hiện phủ nhận khả năng xảy ra chiến tranh lớn với Ukraina. Một nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng của Nga - Valery Solovey, người từng có nhiều dự báo chính xác về các sự kiện lớn - nhận định, Kremlin đang chờ đợi kết quả bầu cử tại Ukraina. Ông cho rằng, thông tin về một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina có thể diễn ra là không phù hợp với thực tế. Bởi vì, theo ý kiến chuyên gia này, đó không phải là điều mà ông Putin cần.

Ông Solovey cho biết, lãnh đạo Nga đang hy vọng một nhân vật nào đó có khả năng đối thoại sẽ giành chiến thắng tại kỳ bầu cử Tổng thống Ukraina sắp tới. Tuy nhiên, hy vọng này có thành sự thực hay không thì lại là chuyện khác.

Chuyên gia phân tích Anatoly Oktisiuk từ Trung tâm nghiên cứu “Ngôi nhà dân chủ” cũng tỏ ra tin tưởng rằng trong thời gian tới quan hệ giữa Ukraina và Nga sẽ không có gì thay đổi. Ông cho rằng, sẽ không xảy ra leo thang xung đột, nhưng từ sau ngày mùng 1 tháng 4 năm sau có thể sẽ xuất hiện những căng thẳng nhất định trong lĩnh vực thương mại, kinh tế và hoạt động nhân đạo, cũng như các mục được quy định bởi Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraina và Liên bang Nga.

Tuy nhiên, trên thực tế thì những lĩnh vực nói trên trong những năm gần đây đã giảm sút rất nhiều. Một số lĩnh vực hợp tác đã hầu như không còn gì, kể cả khi Hiệp ước còn tồn tại. Vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất ở đây chỉ có thể là một cuộc chiến tranh thương mại mang tầm cục bộ, hoặc những chính sách bất lợi được áp dụng đối với người Ukraina làm việc tại Nga. Đó là “con bài tẩy” duy nhất mà Kremlin đang có trong tay ở thời điểm này.

Theo TTQH


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN