Nhiều nước đã triển khai nghiên cứu và sản xuất vắc-xin chống virus SARS-nCoV-2, tuy nhiên, đến nay tất cả vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và chưa có loại vắc-xin nào được công nhận chính thức. Ucraina cũng không phải ngoại lệ trong vấn đề này.
Theo ý kiến của chuyên gia virus học Alla Mironenko, Trưởng khoa Virus truyền nhiễm thuộc Viện nghiên cứu dịch bệnh và bệnh truyền nhiễm mang tên L.B. Gromashevsky, trong trường hợp nghiên cứu thành công vắc-xin chống Covid-19, Ucraina sẽ phải triển khai sản xuất từ con số không, do các quy trình công nghệ trong nước đã quá cũ kỹ, lỗi thời.
Bà nhấn mạnh, công nghệ mới trên thế giới hiện nay cho phép sản xuất những sản phẩm y tế có độ sạch cao, giảm thiểu tối đa các phản ứng phụ. Muốn làm được việc này, Ucraina sẽ phải đầu tư những khoản tiền khổng lồ để xây dựng quy trình sản xuất vắc-xin hiện đại, đáp ứng được yêu cầu quốc tế.
Nhưng công nghệ không phải là vấn đề duy nhất, vì bên cạnh đó còn có tiêu chuẩn GMP (Good Medical Practice) mà các nhà sản xuất vắc-xin phải tuân thủ. Điều này đòi hỏi phải đầu tư trang thiết bị hiện đại và các chuyên gia kỹ thuật có khả năng sử dụng chúng.
Ngoài ra, theo Tiến sỹ khoa học Victoria Rodinkova - Trưởng khoa Dược Đại học Y khoa Vinnitsa, việc sản xuất vắc-xin còn cần những khoản chi không nhỏ để được cấp chứng chỉ lưu hành.
Bà Alla Mironenko cho rằng, vấn đề chính của Ucraina hiện nay là tình trạng thiếu chuyên gia. Nguyên nhân chủ yếu là các chuyên gia trình độ cao đều ra nước ngoài làm việc. Vì vậy, để thu hút các chuyên gia có kinh nghiệm cao, sẽ phải có chính sách mời gọi với những ưu đãi đặc biệt, đầu tiên là mức thù lao đủ sức cạnh tranh với các nước trên thế giới.
Giáo sư Svetlana Doan, chuyên gia dịch tễ học từ Đại học Y quốc gia Kyiv, nhận định rằng Ucraina sẽ có lợi nhiều hơn nếu mua vắc-xin của nước ngoài, thay cho việc nghiên cứu sản xuất trong nước.
Theo lời bà, vắc-xin chủ yếu được tiêm cho trẻ em, trong khi tỷ lệ sinh đẻ tại Ucraina tương đối thấp, do đó số lượng vắc-xin sử dụng không nhiều. Điều đó có nghĩa rằng, một khi Ucraina sản xuất vắc-xin trong nước, thì các sản phẩm này hoặc sẽ có giá rất cao, hoặc sẽ rất lâu mới lấy lại được vốn đầu tư.
Ngoài ra, bà cho biết, trên thế giới có không nhiều các nhà sản xuất vắc-xin và họ đủ sức cung cấp cho toàn bộ thị trường quốc tế. Đó là những tập đoàn uy tín, đảm bảo đầy đủ chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt. Ucraina, trong trường hợp nghiên cứu và sản xuất thành công vắc-xin chống Covid-19, sẽ rất khó cạnh tranh với những đối thủ khổng lồ này để có thể vươn tầm ra thế giới. Vì vậy, tốt nhất là nên mua vắc-xin của nước ngoài, vừa đảm bảo chất lượng chuẩn quốc tế, vừa rẻ hơn sản xuất trong nước.
Nữ giáo sư cũng nhấn mạnh rằng, thay cho việc đầu tư nghiên cứu và sản xuất vắc-xin, Ucraina nên tập trung nỗ lực để nâng cao hiệu quả chẩn đoán và xét nghiệm.
Theo TTQH