Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Tân Tổng thống Ukraine: Những bước đi khôn ngoan đầu tiên

Thứ bảy, 22/06/2019 | 06:00
Cho tới thời điểm hiện tại, có thể nhận thấy vị tân Tổng thống Ukraine đang có những bước đi ngoại giao vô cùng khôn khéo, chú trọng dàn xếp mối quan hệ EU - Ukraine - Nga, tìm kiếm những giải pháp để thỏa thuận Minsk được tôn trọng.

Tôn trọng Minsk, phá thế bế tắc

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức tới Pháp vào ngày 17-6 và Đức vào ngày 18-6. Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, chương trình nghị sự của các chuyến thăm này bao gồm các cuộc gặp ban lãnh đạo Pháp và Đức, những người đứng đầu quốc hội 2 nước cũng như các đại diện chính của cộng đồng kinh doanh Pháp và Đức.

Các bên sẽ thảo luận về các vấn đề song phương và những cải cách ở Ukraine cũng như các vấn đề liên quan việc giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông quốc gia Đông Âu này phù hợp với các thỏa thuận Minsk và trong khuôn khổ định dạng Bộ Tứ Normandy, với sự ủng hộ của Pháp và Đức. Trước chuyến thăm Pháp và Đức, đầu tháng 6-2019, Tổng thống Zelensky đã có cuộc gặp với giới chức EU tại Brussels (Bỉ) trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình.

Ngoài ra, Tổng thống Zelensky cũng để ngỏ khả năng sẽ gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thời gian phù hợp, cả hai bên sẽ bàn bạc về vấn đề thỏa thuận Minsk và tình trạng chiến tranh ở miền Đông Ukraine.

Những nỗ lực ngoại giao tích cực của Tổng thống Zelensky khiến Điện Kremlin đưa ra những tín hiệu lạc quan, mặc dù có phần thận trọng đối với Ukraine. Về phía Washington luôn muốn Donbass và Kiev trong tình thế đối đầu, từ đó dễ bề ngăn chặn các tư tưởng hòa giải giữa Nga và châu Âu, tiếp tục dồn ép châu Âu theo đuổi các biện pháp chống Nga. Nhưng có lẽ vị tân Tổng thống Zelensky không còn mong muốn các thế lực đối nghịch nhau về lợi ích tiếp tục đấu đá trên mảnh đất vốn đã rất phức tạp.

Tân Tổng thống Ukraine: Những bước đi khôn ngoan đầu tiên
Các ngoại trưởng của nhóm Bộ tứ Normandy trong giai đoạn trước đây.

Việc nhờ Pháp, Đức hỗ trợ giải quyết tình trạng Donbass là ngược lại hoàn toàn với người tiền nhiệm. Khi không có bàn tay Mỹ, châu Âu sẽ tiếp tục yêu cầu thỏa thuận Minsk được tôn trọng, đồng nghĩa với việc các biện pháp ngừng bắn sẽ được thi hành.

Sau đó, Đức, Pháp, Ukraine sẽ ngồi lại với Nga và đại diện Donbass để tìm kiếm một giải pháp hòa giải chính trị không tiếng súng. Đây cũng là lộ trình mà phía Nga cho rằng "không thể có giải pháp hiệu quả hơn". Với biện pháp này, Ukraine vẫn có thể giữ được Donbass, chấm dứt nội chiến, mặc dù rất có thể phải chấp nhận chế độ liên bang. Xử lý quan hệ với Nga có lẽ sẽ là bài toán vào loại "hóc búa" nhất, đau đầu nhất của tân Tổng thống Zelensky. Ông thừa hưởng một "di sản" rất phức tạp của "người tiền nhiệm" P. Poroshenko.

Những gì Tổng thống Zelensky làm cho thấy rất rõ con đường mà Ukraine đang lựa chọn, đó là nỗ lực để nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía EU nhưng hòa hoãn, hạ nhiệt căng thẳng với Nga. Từ đó, Ukraine có thể tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước, ổn định chính trị nội bộ và tạo được niềm tin trong lòng công chúng.

Còn lắm gian nan

Mặc dù chính sách rõ ràng là vậy nhưng có thể thấy rằng trước mắt Tổng thống Zelensky vẫn còn ngổn ngang thách thức. Súng vẫn đang nổ ở Donbass, Thỏa thuận Minsk chưa được tôn trọng, một phần vì Tổng thống Ukraine vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề giải tán Quốc hội và bầu nội các mới.

Mặc dù vừa nhậm chức, các quyết định ban đầu của ông Zelensky đã bị phản bác mạnh mẽ, cho thấy sự còn non tay của ông trong giải quyết các vấn đề. Các nghị sĩ Ukraine đã chống lại quyết định giải tán Quốc hội của tân Tổng thống Zelensky và phớt lờ lời kêu gọi của ông về việc sửa đổi luật bầu cử. Đây là đòn giáng đầu tiên vào ông Zelensky, chỉ một ngày sau khi ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống và trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.

Hiện nay, ở Ukraine, các chính đảng mọc lên như nấm sau mưa, các trùm sò chính trị đấu đá lẫn nhau, xã hội Ukraine bị cuốn vào cuộc tranh chấp quyền lực, bế tắc chính trị và rối ren mang tính chu kỳ. Trong những năm gần đây, các nhóm lợi ích khác nhau, có nền tảng chính trị của riêng họ, đấu đá lẫn nhau để tranh giành nguồn lực kinh tế.

Các cuộc đấu tranh chính trị ích kỷ đã khiến Ukraine vốn lung lay trong giông bão lại cùng lung lay hơn. Hàng trăm chính đảng bôi nhọ nhau, không vừa ý là chỉ trích nhau trong Quốc hội, thậm chí đấm đá nhau ngay trên truyền hình, hoàn toàn không quan tâm đến lợi ích và sự phát triển của đất nước. Thực sự, để tìm ra những đồng thuận, cùng hướng tới cải cách phát triển đất nước sẽ là một khó khăn vô cùng lớn với vị tân tổng thống.

Chưa thể ổn định được chính trường thì ông Zelensky cũng sẽ rất gian nan để bắt đầu thực hiện những chính sách nhằm khôi phục nền kinh tế vốn đang xuống dốc không phanh. Không những vậy, bản thân ông Zelensky cũng được cho là không am hiểu về kinh tế.

Ukraine hiện là nước nghèo nhất châu Âu. Về GDP bình quân đầu người, Moldova (quốc gia láng giềng nhỏ, gần 4 triệu dân) cũng đã vượt Ukraine. Moldova xếp hạng 133 thế giới với GDP 2.690 USD trên đầu người, còn Ukraine ở vị trí thứ 134 với 2.660 USD. Để đưa nền kinh tế Ukraine trở lại mức năm 2013, cần ít nhất 35 năm và một trong những điều kiện chính là khôi phục quan hệ với Nga.

Ngày nhậm chức, ông Zelensky đã rót vào tai người dân Ukraine những lời mật ngọt qua bài phát biểu đi vào lòng người với những hình ảnh ví von và những thông điệp không thể thuyết phục hơn. Ông cũng đang nỗ lực hết mình để mang tới ngày tươi sáng cho người dân Ukraine mà không phải đi đường vòng hay giẫm phải vết xe đổ của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, chỉ khi những chính sách của ông phát huy được hiệu quả thực sự thì người dân Ukraine mới có thể tin tưởng ông. Kết quả cụ thể, sẽ nhanh thôi, chắc chỉ sau khoảng 6-9 tháng.