Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Hiến pháp Ucraina sẽ không có “quy chế đặc biệt” cho Donbass

Thứ ba, 17/09/2019 | 02:06
Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Ucraina Vadim Pristayko, phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế “Chiến lược châu Âu Yalta” (YES), điều kiện của các thỏa thuận trước đây ở Minsk không bắt buộc Ucraina phải dành một “quy chế đặc biệt” chính thức nào đó trong Hiến pháp cho các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm tại khu vực Donbass.

Ông lưu ý rằng, Moskva đang yêu cầu chính quyền Ucraina phải đưa vào Hiến pháp một “quy chế đặc biệt” dành cho các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm ở Donbass.

Ngoại trưởng Pristayko tuyên bố, theo thỏa thuận Minsk, Ucraina cam kết cấp cho khu vực Donbass quy chế đặc biệt trong chương trình cải cách về phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và địa phương. Hiện tại, cuộc cải cách này đang được triển khai tại tất cả các địa phương trong cả nước.

Ông nhấn mạnh, các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm cần hiểu rằng, “cơ hội phát triển chỉ có thể nằm trong kế hoạch phân quyền”.

Ngoại trưởng nhắc lại rằng, trước đây, Ucraina đã thông qua luật về quy chế đặc biệt cho các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, có thời hạn đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, và việc thông qua luật này là một động thái nhân nhượng, với hy vọng chấm dứt chiến tranh ngay trong năm 2015.

Ông cho rằng, Quốc hội Ucraina hiện đang đứng trước với một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn - đó là sửa đổi luật về quy chế đặc biệt cho các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm và thông qua luật mới, cân nhắc từng chi tiết và những nhân nhượng mà các bên liên quan cần thực hiện, để tiến tới mục tiêu cuối cùng là đạt được hòa bình.

Nói về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại khu vực Donbass, Ngoại trưởng Vadim Pristayko cho rằng, Ucraina sẽ chỉ sử dụng phương án này nếu mất hết mọi cơ hội thực hiện các thỏa thuận đạt được ở Minsk.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ucraina tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của việc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào khu vực Donbass. Ông viện dẫn bằng chứng là những chiến dịch gìn giữ hòa bình tại các nước châu Phi đã kéo dài hàng chục năm và đến nay vẫn chưa có hồi kết. Mặc dù vậy, ông không loại trừ hoàn toàn phương án này.

“Nếu tất cả các phương án khác bị đổ vỡ, chúng tôi sẽ buộc phải đề nghị cộng đồng quốc tế về một chiến dịch gìn giữ hòa bình, ở một khuôn khổ nào đó”, - Ngoại trưởng tuyên bố.

Theo TTQH