Theo giải thích của giới chuyên môn, ngoại tệ lên giá khi trong nước thiếu tiền và nhà nước buộc phải đi vay, hoặc phải tăng lưu hành đồng nội tệ, hoặc phát hành công trái.
Vladimir Rapoport, chuyên gia kinh tế học, cho biết, năm 2015, Ucraina đã phát hành thêm đến 100 tỷ grivna, khiến tỷ giá đồng đô la từ 12 grivna nhảy lên đến 19 grivna. Tuy nhiên, tình hình hiện nay có sự khác biệt, vì Ucraina có lượng dự trữ ngoại hối đến 20 tỷ đô la và vẫn đang duy trì hợp tác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo nhận định của ông Rapoport, diễn biến tỷ giá tiền tệ trong thời gian vừa qua là liên quan đến việc nhà nước tăng cường bán trái phiếu nội địa. Các nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu của Ucraina vì lãi suất cao. Ngoại tệ đổ vào nhiều, khiến đồng grivna trở nên có giá. Tuy nhiên, khi lượng trái phiếu bán ra giảm, tỷ giá ngoại tệ lại tăng.
Chuyên gia này cho biết, đợt thu về ngoại tệ lớn nhất từ bán trái phiếu nội địa là vào ngày 26 tháng 9 vừa qua.
Theo lời ông, tình hình tỷ giá tiền tệ trong thời gian tới sẽ phụ thuộc phần nhiều vào hành động của Bộ Tài chính Ucraina. Nếu Ucraina tiếp tục bán trái phiếu, đồng grivna sẽ có giá. Nếu không, giá đô la sẽ ổn định ở mức trung bình 26-27 grivna/đô la.
Một số chuyên gia thì cho rằng, nhu cầu ngoại tệ tăng trong mấy ngày vừa qua là do hệ thống dịch vụ bán ngoại tệ trực tuyến cho người dân đã được đưa vào hoạt động.
Nói chung, theo nhận định của giới chuyên môn, sẽ không xảy ra trồi sụt mạnh tỷ giá tiền tệ trong mùa thu năm nay. Ngược lại, trong tháng 10 và tháng 11, thông thường lượng ngoại tệ chuyển vào Ucraina sẽ tăng mạnh, nhờ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.
Theo TTQH