Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Châu Âu đang đưa Gazprom đến lựa chọn cuối cùng?

Thứ ba, 17/09/2019 | 01:58
Nếu tiếp tục nhân nhượng về thỏa thuận trung chuyển khí đốt qua Ukraine, Nga sẽ tiếp tục bị châu Âu gây sức ép mạnh mẽ.

Ngày 10/9, Tòa án Tư pháp châu Âu hủy bỏ quyết định của Ủy ban châu Âu năm 2016 cho phép Tập đoàn Gazprom của Nga có thể sử dụng hệ thống đường ống dẫn khí đốt OPAL đưa khối lượng rất lớn khí đốt sang Đức.

Quyết định của Ủy ban châu Âu năm 2016 cho phép Nga sử dụng tới 80% công suất đường ống dẫn khí đốt này như quy định trong gói năng lượng thứ 3 của EU. Tòa án yêu cầu Nga chỉ được sử dụng 50% công suất đường ống.

OPAL là tuyến đường ống dài 480 km kết nối với hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc nhằm đưa khí đốt của Nga qua Biển Baltic sang Đức. Tuyến đường ống OPAL cũng chạy dọc biên giới Đức- Ba Lan tới CH Séc.

Phán quyết của Tòa án Tư pháp châu Âu được cho là có yếu tố ưu thế khiến Nga lựa chọn vị thế của họ trong cuộc thỏa thuận ba bên gồm Nga- châu Âu- Ukraine về cung cấp khí đốt tự nhiên quá cảnh qua Ukraine bắt đầu từ ngày 01/01/2020.

Theo chuyên gia Katja Yafimava, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu năng lượng Oxford, chuyên nghiên cứu về khí đốt châu Âu đánh giá, động thái mới nhất của châu Âu thông qua phán quyết giành cho Nga về đường ống OPAL được cho là nhằm gây sức ép với Moscow trước cuộc đàm phán về thỏa thuận quá cảnh khí đốt thông qua Ukraine. Nhưng thực tế, châu Âu đã nhầm.

Phán quyết của Tòa án châu Âu đã làm tăng thêm áp lực đối với Nga- nơi chiếm 1/3 nguồn cung năng lượng của châu Âu. Phán quyết được cho là không được mong đợi và được tung ra ở một thời điểm "rất kỳ quái" - một thời gian ngắn trước khi các cuộc đàm phán ba bên về thỏa thuận khí đốt bắt đầu được tiến hành.

Trước khi có phán quyết, Gazprom đã có bảo đảm về khả năng sẽ có thỏa thuận quá cảnh khí đốt qua Ukraine. Đây vốn là điều kiện tiên quyết của EU cho phép Nga tiến hành xây dựng và thông dòng  đường ống Dòng chảy phương Bắc -2 (Nord Stream-2). Nga đã hoàn thành 75% chiều dài đường ống và nuôi quyết tâm để thông dòng đường ống càng sớm càng tốt. Rõ ràng là Gazprom có phương án và chấp nhận các điều kiện với EU và Ukraine để tiếp tục việc quá cảnh khí đốt thông qua Ukraine.

Tuy nhiên, phán quyết mới nhất của Tòa án Tư pháp Châu Âu đã đẩy họ gần hơn tới giới hạn. Gazprom đang duy trì nguồn cung trên thị trường châu Âu trong khi EU đang nhập nhiều hơn các lô hàng khí hóa lỏng của Mỹ và khiến giá trên thị trường châu Âu trở nên rẻ đi đáng kể. Nếu Gazprom cố gắng cung cấp khí đốt cho châu Âu bằng mọi giá, họ có thể tiếp tục chịu đựng sức ép của châu Âu trong thời gian tới.

"Phán quyết mới nhất của Tòa án Tư pháp châu Âu đã khiến Nga và châu Âu trở nên cách xa nhau hơn và một thỏa thuận quá cảnh trong 5 năm, 10 năm qua Ukraine có thể làm xói mòn thêm những thiện chí còn lại" - bà Yafimava nhận định.

"Đây là một canh bạc lớn. Gazprom có thể đổi lấy một thỏa thuận dài hạn với châu Âu và Ukraine để nhận lại việc loại bỏ các trở ngại đang áp đặt lên dự án Nord Stream-2, nhưng quyết định của Tòa án về OPAL đang khiến thỏa thuận dường như ít có khả năng xảy ra hơn" - vị chuyên gia kết luận.

Thỏa thuận quá cảnh khí đốt giữa Nga và Ukraine, Châu Âu là cần thiết đối với cả ba.

Châu Âu yêu thích nguồn khí đốt ổn định và giá rẻ của Nga. 1/3 nguồn cung khí đốt ở châu Âu hiện nay là đến từ nước Nga. Trong khi đó, chỉ để đặt đường ống, Ukraine đã được hưởng mỗi năm 3 tỷ USD, con số không nhỏ trong cơ cấu GDP của nước này.

Còn Nga đang thực hiện chiến lược gia tăng cung cấp khí đốt cho thị trường lớn và giàu có như châu Âu. Bên cạnh việc quá cảnh qua Ukraine, Nga có cả kế hoạch xây dựng đường ống cung cấp khí đốt cho Tây Âu và Nam Âu.

Tham vọng lớn của Nga đang gặp thách thức bởi các thành viên châu Âu "không thân thiện" như Ba Lan, vốn là một đối thủ cạnh tranh trong mảng năng lượng, lại có mâu thuẫn chính trị, hay Đan Mạch - quốc gia chịu sức ép của Washington và các thành viên châu Âu khác.

Nếu tiếp tục duy trì thị trường châu Âu bằng bất cứ cách nào, Gazprom có thể sẽ tiếp tục chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa. Khả năng Gazprom từ bỏ thị trường châu Âu là thấp nhưng phản ứng của họ có thể thúc ép châu Âu làm điều gì đó đối với phán quyết của Tòa án châu Âu, thể hiện thái độ với Ukraine trong thỏa thuận sắp tới và cả việc trì hoãn xây dựng Nord Stream-2.

Theo BDV