Ngày 21/11/2013, hàng trăm người dân Ukraine tràn ra Quảng trường Độc lập tại Kiev để biểu tình chống chính phủ, sau khi Tổng thống thân Nga vào điểm đó, Viktor Yanukovych thông báo sẽ không ký một thỏa thuận chính trị và tự do thương mại với EU, làm đóng băng quan hệ với phương Tây và thêm thân thiết với Nga. Không khí biểu tình càng thêm căng thẳng sau khi những người tham gia chiếm đóng quảng trường. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, sự phản đối của người dân này không khiến chính phủ thay đổi quyết định. Ngày 29/11/2013, Tổng thống Yanukovych chính thức hủy ký kết với EU, làm gia tăng các cuộc biểu tình trong nước. Ảnh: AFP
Một vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trên Quảng trường Độc lập sáng sớm ngày 30/11/2013. Ngày 18-20/2/2014, tình hình vượt ra ngoài kiểm soát khi hơn 100 người biểu tình và hàng chục cảnh sát thiệt mạng trong một cuộc đụng độ tại quảng trường Độc Lập.Ảnh: AFP.
Quốc hội Ukraine hôm 22/2 đã bỏ phiếu nhất trí phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych và quyết định sẽ bầu cử sớm vào ngày 25/5.
Tổng thống Yanukovich cùng gia đình ông và các đồng minh thân cận nhất chạy trốn khỏi Ukraine và sau đó tị nạn ở Nga. Ảnh: BBC
Nghị viện nước cộng hòa tự trị Crimea hôm 17/3 tuyên bố độc lập trước Ukraine và đệ đơn sáp nhập vào Nga, sau khi kết quả một cuộc trưng cầu dân ý cho thấy gần 100% cư dân trên bán đảo muốn đi theo Moscow.
Crimea là nơi đồn trú của Hạm đội Biển Đen, Nga kể từ thế kỷ 18 và được chuyển cho Ukraine vào năm 1954. Trong ảnh là khung cảnh người dân bán đảo này tập trung ở quảng trường Lenin, thủ phủ Simferopol để ăn mừng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: AFP
Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea, liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga, chủ yếu tác động đến các ngân hàng, công ty năng lượng và quốc phòng nước này. Lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 từng chỉ trích Nga gây mất ổn định Ukraine, đồng thời cảnh báo Moscow sẽ phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nếu không thay đổi. Trong ảnh là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bỉ, bàn về khủng hoảng Ukraine. Ảnh: AFP
Tháng 4-5/2014, phiến quân thân Nga tại vùng Donetsk và Luhansk, đông Ukraine tuyên bố thành lập "nước cộng hòa nhân dân" độc lập, sau khi tổ chức chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở địa phương. NATO cáo buộc Moscow điều 40.000 binh lính đến khu vực biên giới Nga-Ukraine, nhưng điện Kremlin bác bỏ thông tin này. Ảnh: AP
Chính quyền Ukraine sau đó điều quân trấn áp phe ly khai, khiến bạo lực liên tục diễn ra. Ngày 2/5 trở thành ngày đẫm máu nhất kể từ khi xảy ra biến động ở Kiev. 9 người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công quân sự của Ukraine tại Sloviansk, Donetsk. Cùng ngày, hơn 40 người thiệt mạng tại trong một cuộc đụng độ trên đường phố, khi một đám cháy xảy ra tại một tòa nhà công đoàn thành phố Odessa, nam Ukraine.
Ngoài ra, các giám sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bị phe ly khai bắt và giam giữ. Một tuần sau đó họ mới được thả nhờ sự can thiệp của một phái viên Nga. Ảnh: Reuters
Ngày 2/6, tỷ phú thân phương Tây, Petro Poroshenko, người được mệnh danh là ông hoàng chocolate của Ukraine chính thức đắc cử tổng thống Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/5 cho biết ông tôn trọng lựa chọn của người dân Ukraine và sẽ hợp tác với chính quyền mới của họ. Ảnh: Itar-tass
Ngày 17/7, chiếc máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines rơi xuống miền đông Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng. Kiev và Mỹ cho rằng phiến quân thân Nga đã bắn hạ phi cơ bằng tên lửa do Moscow cung cấp. Phe ly khai và Nga bác bỏ cáo buộc trên và cho rằng Ukraine mới là bên đứng sau vụ việc. Ảnh: AFP
Giao tranh giữa phe ly khai và Kiev diễn ra ác liệt sau thảm họa hàng không, miền đông Ukraine chìm trong sợ hãi, nhiều người dân phải di tản để tránh những đợt pháo kích thường xuyên xảy ra.
Phương Tây liên tục cáo buộc Nga gửi quân và cung cấp vũ khí đạn dược hỗ trợ phe ly khai. Moscow luôn bác bỏ luận điểm này. Báo chí Nga cho rằng quân ly khai có được vũ khí là từ kho quân sự đặt ở miền đông Ukraine cũng như chiến lợi phẩm khi đánh quân chính phủ. Ảnh: Reuters
Chính phủ và quân nổi dậy ở Ukraine ngày 5/9 ký kết thỏa thuận ngừng bắn, tuy nhiên thỏa thuận này nhiều lần bị vi phạm. Liên Hợp Quốc hôm 20/11 công bố một báo cáo, theo đó 4.300 người đã thiệt mạng vì bạo lực ở Ukraine kể từ giữa tháng 4 và chỉ riêng một tháng sau lệnh ngừng bắn, 1.000 người đã bị cướp đi sinh mạng. Ảnh: Reuters
Đông Ukraine hôm 2/11 tổ chức bầu cử lãnh đạo nhằm tăng sự độc lập với Kiev. Trong ảnh là ông Alexander Zakharchenko, người được bầu làm lãnh đạo nước cộng hòa ly khai ở đông Ukraine. Ảnh: RIANovosti
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích cuộc bầu cử là bất hợp pháp và trái với thỏa thuận ngừng bắn. Các lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin không công nhận tính hợp lệ của cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay Moscow sẽ công nhận kết quả bầu cử.
Các đảng chính trị thân phương Tây trong quốc hội Ukraine hôm 21/11 cùng ký một thỏa thuận liên minh, tuyên bố gia nhập NATO là mục tiêu ưu tiên. Động thái của Ukraine được cho là sẽ làm tăng thêm căng thẳng với Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 19/11 kêu gọi Ukraine tránh xa khỏi NATO, đồng thời khẳng định "quy chế không liên kết" là vì lợi ích của Kiev. Ảnh: Kyiv Post
Người dân Ukraine hôm qua đặt hoa tại đài tưởng niệm cho những người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh tại Quảng trường Độc lập tại Kiev một năm trước đó. Ảnh: AP
Ảnh: AP
Nguồn: (Vnexpress)