Phát biểu trong ngày họp đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh NATO với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng Thư ký Anders Fogh Rasmussen đánh giá cao đóng góp của Ukraine cho các hoạt động của NATO cũng như Lực lượng phản ứng nhanh của tổ chức này; khẳng định Ukraine luôn đứng cạnh NATO, vì thế trong thời điểm khó khăn hiện nay, NATO sẽ sát cánh cùng Ukraine.
Ông Rasmussen kêu gọi Nga chấm dứt những hành động NATO coi là "gây hấn" nhằm vào Ukraine; rút binh lính khỏi Ukraine cũng như các vùng biên giới; hủy bỏ việc sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga.
Ông Rasmussen nhấn mạnh độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và sự ổn định của Ukraine có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh trong khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.
NATO cũng cam kết hỗ trợ Ukraine là 15 triệu euro (khoảng 19,42 triệu USD), bao gồm hỗ trợ về hậu cần, phục hồi sức khỏe cho binh lính bị thương, tăng cường an ninh mạng, chỉ huy, kiểm soát và thông tin.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, cũng tại cuộc họp ở xứ Wales, các nhà lãnh đạo NATO đã phác thảo kế hoạch can dự dài hạn nhưng không tham chiến ở Afghanistan, để huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ các lực lượng an ninh nước này, sau khi sứ mệnh chiến đấu của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO chỉ huy tại Afghanistan thúc vào cuối năm nay.
Thông cáo chung sau ngày họp đầu tiên nói rõ các Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan (ANSF) đã chỉ huy các hoạt động chiến đấu trên toàn lãnh thổ nước này trong hơn một năm qua. Khi ISAF kết thúc sứ mệnh của mình vào cuối năm 2014 theo đúng kế hoạch, NATO sẽ thay đổi bản chất và phạm vi can dự ở Afghanistan.
Sứ mệnh Hỗ trợ Kiên quyết sau năm 2014 là một trong 3 trụ cột can dự dài hạn, cùng với những cam kết về tài chính để hỗ trợ khả năng chịu đựng của ANSF và củng cố sự hợp tác chính trị, thực dụng với Afghanistan. Cốt lõi của sứ mệnh này là việc ký Thỏa thuận An ninh Song phương giữa Mỹ và Afghanistan, yếu tố quyết định số binh lính còn lại của NATO đóng ở Afghanistan.
Tổng thống đương nhiệm Afghanistan Hamid Karzai đã bác bỏ, song 2 ứng cử viên tổng thống tiềm năng cam kết sẽ ký thỏa thuận gây tranh cãi này nếu họ đắc cử.
Tổng thư ký NATO Rasmussen khẳng định sẽ không có Sứ mệnh Hỗ trợ Kiên quyết nếu Washinhton và Kabul không ký Thỏa thuận An ninh Song phương, đồng thời kêu gọi ký văn bản này càng sớm càng tốt./.
Theo Vietnam+