|
Đoàn xe viện trợ của Nga di chuyển đến biên giới Ukraine hôm 17/8. Ảnh: Reuters |
Tuần trước Ukraine từng tuyên bố tiêu diệt một phần đoàn xe bọc thép của Nga khi các thiết giáp xâm nhập. Moscow nói đó chẳng qua là ảo tưởng của Kiev.
Trên thực tế, nếu quân đội Nga xâm nhập một thành viên của NATO, các nước sẽ đáp trả bằng cách hiện thực hóa Điều 5 của hiệp ước phòng thủ chung của liên minh. Điều này nêu rõ cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên của NATO sẽ được coi là tấn công vào toàn bộ liên minh, vì vậy, một cuộc chiến chắc chắn sẽ nổ ra.
Nhưng Ukraine không phải là một thành viên của NATO và triển vọng gia nhập Liên minh này rất mờ mịt.
Kể từ tháng 5, Mỹ và các nước châu Âu liên tục áp đặt trừng phạt với Nga vì vấn đề Ukraine, và giới phân tích cho rằng phản ứng của họ cũng sẽ chỉ quanh mức đó, bởi NATO hẳn nhiên không muốn can thiệp quân sự trực tiếp vì Ukraine.
"Phương Tây đã gần vượt qua những giới hạn các nước này đặt ra để không tự đẩy mình vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng với Nga", Samuel Charap, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là nhân viên cấp cao Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận xét.
"Có thể sẽ có thêm nhiều biện pháp trừng phạt Nga và hỗ trợ Ukraine, nhưng ngoài những động thái đó, tôi thấy Mỹ sẽ không có bước tiến gì thêm", ông nói thêm.
Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết một số biện pháp đã được đem ra thảo luận để đề phòng Nga tiếp tục có động thái leo thang. Chúng bao gồm thắt chặt lệnh trừng phạt, cô lập Moscow trên các diễn đàn quốc tế, tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO ở Đông Âu và có khả năng cung cấp thêm hàng viện trợ phi sát thương cho Ukraine.
Biện pháp trừng phạt và áp lực kinh tế đang khiến Nga mất đi nguồn vốn và người tài, đồng thời châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện. Tuy nhiên, Moscow vẫn không thay đổi chính sách. Các nhà phê bình ở Washington và một số nơi khác cho rằng chính sự thiếu phản ứng của phương Tây đã tạo cơ hội cho Tổng thống Vladimir Putin duy trì chính sách.
Lực lượng Ukraine có thể đang lạc quan sau tin tức về vụ tấn công thành công vào đoàn xe bọc thép của Nga. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cho rằng Nga sẽ dễ dàng đánh bại Ukraine nếu tấn công quân sự, đặc biệt là nếu nước này mượn tay phiến quân ở miền đông để thực hiện kế hoạch đó. Chọc thủng phòng tuyến miền trung và miền tây Ukraine sẽ khó khăn hơn nhưng Nga vẫn được dự đoán có khả năng giành chiến thắng, mặc dù có thể xảy ra một cuộc nổi dậy sau đó.
Washington cho đến nay chỉ gửi cho Ukraine hàng viện trợ không có vũ khí sát thương như áo chống đạn, nhưng theo các quan chức, điều này có thể thay đổi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Mỹ có tăng cường sức mạnh quân sự cho Ukraine đến mức nào, thì Nga cũng có thể cân bằng lực lượng tương đương.
Trên hết, hỗ trợ vũ trang cho quân đội Ukraine dự kiến chỉ được giới hạn trong các hệ thống vũ khí tương đối nhỏ , ví dụ như tên lửa chống tăng. Những vũ khí này có thể giúp Kiev trì hoãn nhưng không thể ngăn chặn triệt để bước tiến của Nga.
Lực lượng gìn giữ hòa bình miền tây Ukraine
Theo các quan chức, Mỹ cho đến nay tránh gửi hỗ trợ quân sự cho Ukraine do vấn đề chính sách. Điều này sẽ thay đổi vào năm tới khi Quốc hội Mỹ thông qua đề nghị điều các đơn vị từ quân đội Mỹ ở châu Âu hoặc Lực lượng Cảnh sát Quốc gia California đến trung tâm đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình ở miền tây Ukraine, nằm cách xa nơi đang xảy ra xung đột hiện nay.
Một phương án khác là tăng cường đào tạo cho quân đội của Ukraine tại ngoài lãnh thổ, mặc dù vẫn chưa có đề xuất nào về vấn đề này được đưa ra.
Cho dù Putin có dấn thêm những bước đi nào nữa hay không, các quan chức Mỹ chắc chắn rằng sẽ có các biện pháp trừng phạt thêm nữa đối với Nga nếu Moscow tiếp tục ủng hộ phiến quân Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Wales trong tuần đầu tiên của tháng 9 sẽ là chương trình mấu chốt để vấn đề này được đem ra thảo luận.
Khả năng cuộc gặp này sẽ tạo ra một sự thay đổi trong quan điểm tiếp cận vấn đề Ukraine là rất thấp. Tuy nhiên các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ cho biết đôi khi vẫn có những thỏa thuận đột phá được đưa ra bởi những nhóm quốc gia có chung tiếng nói.
Trong số các thành viên Liên minh, Đức đặc biệt thận trọng đối với ý tưởng mạnh tay, trong khi đó lệnh cấm vận vũ khí của châu Âu đối với U cũng là một trở ngại đối với bất kỳ ai có ý định linh hoạt hơn với Kiev.
"Rất khó để toàn bộ NATO đồng ý đi đến một quyết định", một cựu quan chức Mỹ giấu tên nói. "Nếu có một cái gì đó được đưa ra, đó có thể là sự thỏa thuận của một nhóm".
Vũ Thảo (theo Reuters)
Nguồn: (Vnexpress)