280 xe tải được cho là chở hàng viện trợ của Nga đang trên đường tới biên giới với Ukraine. Ảnh: AP |
Hành trình của đoàn xe tải chở hàng viện trợ của Nga. Đồ họa: BBC |
Một yếu tố khác Kremlin cần tính đến khi ra quyết định là tình trạng của phong trào ly khai có vũ trang ở đông Ukraine. Những bước tiến của quân đội Ukraine trong vài tuần vừa qua đã cho phép họ bao vây thành phố Donetsk, thành trì của phe nổi dậy, và cách ly nó với Luhansk. Quân đội Ukraine hiện có thể chặn nhiều nguồn tiếp tế từ Nga tới phiến quân ở Donetsk.
Trong thời gian chờ đợi để Nga can thiệp trực tiếp, phiến quân có thể chọn cách rời thành phố Donetsk như cách họ làm ở Sloviansk hồi đầu tháng 7, hoặc sẽ trở nên yếu đi do thiếu lương thực, thiết bị, cũng như sức lực. Sự can thiệp quân sự trực tiếp của Nga sẽ hiệu quả hơn nếu được triển khai nhằm hỗ trợ một lực lượng nổi dậy vững chắc, sẵn có, thay vì một nhóm phân tán, thua cuộc.
Đấy là những yếu tố cần tính đến chỉ khi Nga có ý định can thiệp. Câu hỏi từ phương Tây hiện nay vẫn là Moscow có định làm thế hay không. Các nhà lãnh đạo Nga khẳng định đoàn xe vận tải chỉ chở lương thực, nhu yếu phẩm, túi ngủ cần thiết cho những người miền đông Ukraine sống trong cảnh thiếu thốn nhiều tuần nay, và những nghi ngờ của phương Tây là lố bịch.
Dù tỷ lệ ủng hộ đối với ông Putin tăng trong những tuần vừa qua, phần đông người Nga không thích thú gì ý tưởng can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraine, mà chấp nhận mức độ hỗ trợ hiện tại đối với phe ly khai.
Yếu tố tiếp theo là nhu cầu của Ukraine trong việc tiến tới một thỏa thuận khí thiên nhiên với tập đoàn Gazprom của Nga, ít nhất là ngắn hạn, trước khi trời trở lạnh vào tháng 10. Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt đang khiến Ukraine không thể đổ đầy các kho dự trữ trong những tháng hè. Dù Slovakia sẽ bắt đầu đưa ngược trở lại nguồn khí đốt thiên nhiên tới Ukraine vào tháng 9, nguồn này sẽ không thay thế đủ lượng khí Ukraine thường nhập từ Nga.
Hơn nữa, Ukraine dự kiến tổ chức bầu cử quốc hồi vào tháng 10 tới. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi chính phủ của ông Viktor Yanukovych bị sụp đổ. Liên minh không chính thức đang điều hành Ukraine do đó sẽ bắt đầu tan vỡ sau cuộc bầu cử. Điều này sẽ khiến Kiev khó hành động một cách hiệu quả và chặt chẽ hơn. Do vậy, vào tháng 10 tới, Nga sẽ có cơ hội dùng năng lượng để khiến Ukraine nhượng bộ về chính trị. Moscow cũng sẽ có thể tận dụng sự chia rẽ nội bộ trong chính phủ Ukraine do áp lực tài chính gia tăng, mà không cần can thiệp quân sự trực tiếp.
Nếu Nga chọn can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraine, nước này sẽ phải trả giá, dù Kremlin có bắt đầu chiến dịch vào thời điểm nào. Phản ứng quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thiệt hại về kinh tế do lệnh trừng phạt gia tăng, chi phí quản lý những vùng đất chiếm được ở Ukraine, sự bất ổn do phản ứng trong nước và thương vong trong quân đội Nga là tất cả những yếu tố Kremlin sẽ phải tính toán cẩn thận.
Việc Nga quyết định gửi đoàn xe nhân đạo là một cách để thử phản ứng của chính phủ Ukraine và phương Tây. Nó cho phép Kremlin có nhiều lựa chọn hơn khi cần cẩn trọng để theo dõi và đánh giá các diễn biến tiếp theo.
Trọng Giáp (theo Stratfor)
Nguồn: (Vnexpress)