Tuy nhiên, S&P đánh giá rằng cuộc xung đột quân sự tại miền Đông Ukraine có thể cản trở việc thực hiện chương trình tín dụng này.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia S&P, thâm hụt ngân sách nhà nước Ukraine năm 2014 có thể lên tới 11% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Cùng ngày, tại cuộc gặp cấp bộ trưởng ba bên đầu tiên ở Brussels (Bỉ), Liên minh châu Âu (EU), Nga và Ukraine đã nhất trí thành lập cơ chế tham vấn nhằm đánh giá những tác động của việc thực hiện Hiệp định liên kết Ukraine-EU và giải quyết những mối quan ngại của Nga.
Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp nêu rõ trong khi các thỏa thuận thương mại mới nhằm tạo ra những ảnh hưởng kinh tế tích cực, "việc thực hiện các thỏa thuận này cũng tạo ra những rủi ro kinh tế tiềm tàng giữa Nga và Ukraine."
Theo tuyên bố trên, trong giai đoạn đầu, cơ chế tham vấn sẽ tập trung vào các vấn đề như quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, hải quan, thủ tục đánh giá, vệ sinh...
Ngày 20/7 tới, Nga sẽ đưa ra danh sách những mối quan ngại cụ thể hoặc những rủi ro tiềm tàng từ việc thực hiện thỏa thuận trên. Trên cơ sở danh sách đó, các cuộc tham vấn song phương sẽ được tiến hành ở cấp chuyên gia nhằm trao đổi quan điểm và tìm giải pháp thỏa đáng cho những quan ngại hoặc rủi ro. Ngoài ra, các bên cũng sẽ xác định những vấn đề cần thảo luận ở cấp cao hơn.
Theo kế hoạch, các chuyên gia sẽ hoàn tất báo cáo sơ bộ vào ngày 1/9 để chuẩn bị cuộc gặp cấp bộ trưởng tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 12/9 tới tại Brussels.
Hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU được Tổng thống Petro Poroshenko và lãnh đạo EU ký ngày 27/6. Trước đó, Nga đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của hiệp định này đối với nền kinh tế Nga cũng như quan hệ thương mại giữa Nga với Ukraine và EU.
Ngay sau lễ ký, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ có biện pháp bảo vệ nền kinh tế của mình ngay khi hiệp định có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga./.
Theo Vietnam+