Hãng tin AFP dẫn thông báo nói quân đội Ukraine sẽ tiến hành một cuộc tấn công “ở khắp nhiều khu vực” gần Donetsk và thành phố thủ phủ vùng láng giềng Luhansk. Các vùng Donetsk và Luhansk của Ukraine, nằm giáp biên giới với Nga, đã tổ chức những cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi ngày 11-5 và đòi độc lập với Ukraine.
Bạo lực bùng phát ngay sau đó giữa lực lượng chính phủ và quân ly khai. Cả hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm một lệnh ngừng bắn 10 ngày do tân tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thiết lập từ 20-6 tới 30-6.
Ở Donetsk, Financial Times nói các tay súng ly khai đã lên kế hoạch sơ tán người dân khỏi thành phố này. Igor Strelkov, tư lệnh của lực lượng ly khai, thề sẽ chiến đấu tới cùng, sau khi đã mất thành phố quan trọng Slavyansk vào tay quân chính phủ trong tuần trước.
“Kẻ thù đang tìm cách bao vây Donetsk”, ông Strelkov nói. “Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ thành phố tới cùng”. Ông Strelkov đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc họp báo chung với Alexander Borodai, thủ tướng tự phong của “Cộng hòa nhân dân Donetsk”.
Ông Borodai nói lực lượng nổi dậy đã lên kế hoạch “sơ tán hàng chục nghìn người” sang Nga nếu cần thiết bởi thành phố hiện đang ở trong tình trạng thảm họa nhân đạo và cho biết “hơn 70.000 người” đã rời thành phố. Dân số Donetsk là khoảng một triệu người.
Sau nhiều cuộc giao tranh nữa tối 10-7, quân đội Ukraine đã tuyên bố chiếm lại thành phố miền đông Siversk. Quân đội Ukraine cũng tiến nhanh về Donetsk từ phía nam, thiết lập một trạm kiểm soát trên đường cao tốc chỉ cách thành phố khoảng 15 km với hàng chục xe tăng và xe bọc thép.
Từ Donetsk, ông Borodai nhắc lại những lời kêu gọi Nga can thiệp. “Chúng tôi hy vọng Liên bang Nga sẽ hỗ trợ nhiều hơn”, ông nói. Nga đã lên án Ukraine vì các chiến dịch quân sự ở miền đông, nhưng cho tới giờ chưa thấy dấu hiệu gì là họ có thể can thiệp.
Trên bàn đàm phán, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức bày tỏ ủng hộ Nga và kêu gọi một lệnh ngừng bắn mới ở đông Ukraine, nhưng cũng cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin không để các tay súng và vũ khí vượt biên giới vào Ukraine.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói với ông Putin rằng điều quan trọng giờ là phải đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã kéo dài ba tháng. Trong cuộc điện đàm ba bên qua điện thoại ngày 10-7, họ bày tỏ mong muốn ông Putin “gây tất cả áp lực cần thiết” lên phe ly khai và “tiến hành các bước chắc chắn cần thiết để kiểm soát đường biên giới Nga-Ukraine”, theo một thông báo từ văn phòng tổng thống Pháp.
Matxcơva trước sau bác bỏ những cáo buộc của Ukraine và phương tây rằng họ hỗ trợ quân nổi dậy. Kremlin xác nhận trong một tuyên bố của họ rằng ba nhà lãnh đạo ủng hộ “việc nhanh chóng nối lại lệnh ngừng bắn và tổ chức cuộc gặp của nhóm liên lạc Ukraine”. Họ cũng nói sẽ mở các cuộc thương lượng với Tổng thống Ukraine Poroshenko.
Theo Tuổi trẻ