Năm 1708, vua Charles XII của Thụy Điển xâm lược Ukraine. Mục đích của ông là sử dụng Ukraine như một “bàn đạp” cho mục tiêu cuối cùng là Moscow của Peter Đại đế.
Để bảo đảm nền độc lập hoàn toàn cho Ukraine, Ivan Stepanovych Mazepa, thủ lĩnh của bộ tộc Cozak ở Ukraine, người đã trung thành với Moscow trong nhiều năm trước đó, đã phản bội Nga hoàng và thiết lập liên minh với nhà vua Thụy Điển. Quyết định trên đã gây chia rẽ trong nội bộ của Cozak; trong khi một số theo Mazeppa, thì số còn lại bầu một nhà lãnh đạo mới là Ivan Skoropadsky. Skoropadsky tái khẳng định lòng trung thành với liên minh Cozak-Nga.
Năm sau đó, Charles đã bị Peter đánh bại trong trận đỉnh điểm Poltava. Sau chiến thắng đó, Nga trở thành một nước có ảnh hưởng lớn trong các vấn đề châu Âu; Ukraine nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ Nga hoàng; và Mazeppa đã phải sống lưu vong.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Poroshenko. |
Có người cho rằng, Mazeppa đã phải chịu hình phạt vì phản đội Nga hoàng, nhưng cũng có người nói rằng ông là một vị anh hùng vì đã cố đưa Ukraine thoát khỏi sự lệ thuộc vào Nga dù bị thất bại.
Một trong những người tiền nhiệm của Mazeppa là Bohdan Khmelnytsky, được tán dương bởi quyết định kí Hiệp ước Pereyaslav vào năm 1654, theo đó người Cozak cam kết trung thành với Sa hoàng Aleksei I (1629 - 1676) để đổi lại việc Sa hoàng đảm bảo sẽ bảo vệ người Cozak. Có người ca ngợi rằng Khmelnytsky đã nối lại tình đoàn kết giữa người Ukraine và Nga; nhưng cũng có những người chỉ trích ông này đã đưa Ukraine chạy vào “vòng tay nghẹt thở” của Nga.
Cho đến nay, TNI cho rằng, theo quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hình thức phân chia người Đông Slav thành người Belorussians, Ukraine hay Nga chỉ là sự phản ánh các biến thể khu vực và ngôn ngữ của một dân tộc, chứ không phải là sự tồn tại của những quốc gia riêng biệt.
Trong bài phát biểu trước quốc hội Nga hôm 18/3/2014, ông Putin đã thể hiện rõ hơn quan điểm trên khi nói về mối quan hệ giữa Nga và Ukraine. Ông nói: “Chúng ta không phải là những quốc gia láng giềng gần gũi mà trong thực tế, như tôi đã nói nhiều lần, chúng ta là một dân tộc. Tất cả như nhau, chúng ta không thể trở thành một phần hoàn chỉnh nếu thiếu nửa kia”. Thực tế, ông Putin đã nhắc đến từ “một dân tộc” trong rất nhiều lần khác, ví dụ như trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9/2013.
Thậm chí, rất nhiều nhân vật cấp cao khác trong chính phủ Nga cũng từng nhắc đến quan điểm trên. Ông Konstantin Zatulin, Phó Chủ tịch Ủy ban Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga về các vấn đề Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và quan hệ với kiều bào, đã từng phát biểu hồi năm 2013 rằng: “Người Nga, Ukraine và Belorussians đều là một và đều là một dân tộc, do hoàn cảnh lịch sử nên bị gọi khác nhau”. Ngay cả trong số những người Nga công nhận sự tồn tại của một quốc gia Ukraine độc lập, cũng có rất nhiều người đồng ý với quan điểm thường được phát ngôn viên Dmitri Peskov của ông Putin nhắc đến như: Ukraine là một "quốc gia anh em" với Nga.
Theo TNI, đối với ông Putin, cũng như nhiều người Nga, nền độc lập của Ukraine là có điều kiện. Điều kiện tiên quyết là phải tồn tại một "mối quan hệ đặc biệt" giữa hai nước, được đặc trưng bởi các mối quan hệ kinh tế, chính trị, kinh tế và an ninh chặt chẽ.
Ukraine vẫn đang bị "giằng co" giữa Nga và phương Tây. |
Cách đây 6 năm, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest, theo các phương tiện truyền thông, ông Putin đã nói với Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush rằng: "Ông không hiểu sao, George, rằng Ukraine thậm chí không phải là một nhà nước. Ukraine là gì? Một phần lãnh thổ của nó thuộc Đông Âu, nhưng phần lớn hơn là do chúng tôi tặng họ”. Nói cách khác, ông công nhận phần phía tây của Ukraine là một lãnh thổ, nhưng khẳng định rằng cốt lõi của Ukraine kết nối với lịch sử Nga.
Nhưng theo TNI, những gì ông Putin nói sau đó thậm chí còn đáng xem xét hơn. Ông đã cảnh báo rõ ràng với ông Bush rằng nếu như bất cứ nước nào muốn kéo Ukraine hoàn toàn vào quỹ đạo phương Tây và đối đầu với Nga, thì Ukraine sẽ không còn tồn tại như một nhà nước độc lập và Nga có thể sẽ buộc phải tách Crimea và miền đông Ukraine ra khỏi sự kiểm soát của Kiev.
Trong 15 năm dưới vai trò là Tổng thống hoặc Thủ tướng Nga, một trong những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông Putin là xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga và Ukraine, ngăn cản việc Ukraine hướng sang phương Tây. Khi ông Putin bổ nhiệm ông Viktor Chernomyrdin, nguyên là Thủ tướng Nga từ năm 1992 đến năm 1998, làm đại sứ tại Ukraine vào năm 2001, nhiều chuyên gia chính trị đã cho rằng đây là một động thái khởi đầu cho chiến dịch gia tăng ảnh hưởng của Nga đối với Ukraine.
Thậm chí một nhà phê bình còn nói rằng việc đề cử Chernomyrdin tương đương với "việc bổ nhiệm một thủ tướng mới cho Ukraine của Tổng thống Putin". Tuy nhiên, do ông Putin đã sẵn sàng từ bỏ các tiền đồn xa xôi của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh và tạo điều kiện cho lực lượng quân sự Mỹ vào Trung Á sau vụ khủng bố 11/9, một số quan chức và giới chuyên gia tại Washington cho rằng ông Putin đã không còn quan tâm đến việc sử dụng Ukraine như một quân cờ địa chính trị và thậm chí còn tưởng rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Ukraine và phương Tây sẽ đem lại lợi ích cho Nga.
Ảo tưởng này đã nhanh chóng bị xua tan khi mối quan hệ ấm áp giữa Mỹ và Nga trong nhiệm kì tổng thống đầu tiên của ông Bush và ông Putin đã bị “mặc cạn” tại những “bãi cát ngầm” có tên gọi là cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine năm 2004. Cách mạng Cam là một bước ngoặt trong hệ thống chính trị Ukraine. Những gì mà phương Tây coi là chiến thắng của “sức mạnh nhân dân” thì Nga lại coi đó là một thách thức trực tiếp và nguy hiểm đối với vị trí của Nga ở Ukraine.
Khủng hoảng ở Ukraine đã "vô hiệu hóa" những tiến bộ trong mối quan hệ giữa Mỹ - Nga. |
Từ đó trở đi, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ (cũng như với Liên minh châu Âu) liên quan trực tiếp đến sự cân bằng các quyền lực chính trị ở Ukraine. Nỗ lực “thiết lập lại" mối quan hệ giữa Moscow và Washington trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama đã không có mấy kết quả chỉ bởi vì những nỗ lực làm ấm mối quan hệ với Kremlin năm 2009 của Thủ tướng Yulia Tymoshenko và sau đó là việc ông Viktor Yanukovych lên làm tổng thống vào năm 2010. Nga đã có vị trí đảm bảo hơn tại Ukraine khi ông Yanukovych quyết định tránh né gia nhập NATO để gia hạn một hợp đồng cho Nga thuê dài hạn một căn cứ ở Sevastopol cho Hạm đội Biển Đen và đưa tiếng Nga vào thành ngôn ngữ chính thức.
Và việc ông Yanukovych bị lật đổ, cũng như cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine cũng đã “vô hiệu hóa” một cách hiệu quả những tiến bộ đạt được trong mối quan hệ Mỹ-Nga trong hai thập kỷ qua.
Vì sao, trong hàng thế kỉ, Ukraine vẫn không thể thoát khỏi “vòng tay” của Nga? Đầu tiên, hai nước có đường biên giới chung dài tới 1500 dặm. Theo TNI, cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với Nga là việc lực lượng NATO sẽ triển khai lực lượng ở sát đường biên giới này, gây ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh Nga.
Ukraine vẫn là một mối liên kết quan trọng kết nối Nga với thế giới. Thậm chí, sau cuộc Cách mạng Cam, Nga đã thúc đẩy các kế hoạch phát triển đường ống dẫn khí đốt mới tới thị trường châu Âu mà không đi qua Nga, nhưng hiện vẫn có hơn một nửa lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang phương Tây phải đi qua Ukraine. Một Ukraine thân thiện hay ít nhất là trung hòa đóng vai trò quan trọng đối với sức mạnh, ảnh hưởng của Nga ở châu Âu cũng như với an ninh của Nga.
Theo Infonet