Sức nóng từ các cuộc đụng độ giữa các lực lượng ly khai và quân đội chính phủ tại các tỉnh miền đông-nam Ukraina đang có nguy cơ làm chảy thành nước thỏi Sôcôla Petro Poroshenko, người vừa được bầu làm tổng thống Ukraina hôm 25/5.
Trực thăng của quân đội chính phủ Ukraina bắn về phía quân nổi dậy ở sân bay Donetsk hôm 26/5
Đúng vào ngày trùm tỉ phú Petro Poroshenko, ông chủ xưởng sản xuất bánh kẹo lớn nhất nước mang biệt danh “ông vua chocolate” được bầu làm Tổng thống Ukraina, quân ly khai ở Donetsk đã tấn công giành quyền kiểm soát sân bay thành phố từ tay quân đội Kiev.
3 ngày sau, ngày 29/5, chính quyền Kiev lại cho biết những phần tử đòi ly khai ở miền đông Ukraina đã bắn rơi một chiếc máy bay trực thăng quân sự, giết chết 14 binh sĩ chính phủ, trong đó có một viên tướng. Chiếc trực thăng được cho là bị bắn sau khi thả quân xuống một căn cứ quân sự.
Cũng trong ngày 29/5, một thủ lĩnh của phe đòi ly khai nói rằng nhóm của ông đang bắt giữ 4 quan sát viên châu Âu đã biệt tích từ tối 26/5. Ông Vyacheslav Ponomarev, người tự xưng là “thị trưởng nhân dân của thành phố Slovyanks”, cho biết các quan sát viên được khỏe mạnh và sẽ được trả tự do trong nay mai. Ông cho biết ông đã cảnh cáo Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) là các quan sát viên của tổ chức này không được tới vùng này, nhưng họ đã tới nơi, bất chấp lời cảnh báo.
Hôm 28/5, Tổ chức OSCE cho biết một nhóm khác, gồm 11 quan sát viên, đã bị câu lưu trong cùng khu vực, nhưng sau đó đã được thả. Các quan sát viên này đến Ukraina trong một sứ mạng nhằm giảm thiểu căng thẳng và thúc đẩy cho hòa bình và an ninh.
Mâu thuẫn ngày càng gia tăng kể từ khi ông Poroshenko trúng cử tổng thống Ukraina hôm 25/5. Nhóm ly khai nói họ đã mất 100 quân trong nỗ lực chiếm đánh sân bay Donetsk hôm 26/5. Cũng có báo cáo về nhiều vụ đụng độ khác gần đây, xảy ra trên các khu vực khác nhau ở miền đông-nam Ukraina.
Ngày 29/5, Nhà Trắng cho biết vụ máy bay trực thăng của chính phủ bị phe ly khai ở Ukraina bắn rơi cho thấy quân nổi dậy tiếp cận được "các loại vũ khí tiên tiến và những hỗ trợ khác từ bên ngoài", ám chỉ Nga cung cấp vũ khí cho phe ly khai ở Ukraina. Trong một phát biểu riêng rẽ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngày nêu lo ngại với người đồng cấp Nga về tình trạng bạo lực đang diễn ra, và về tin tức nói rằng chiến binh nước ngoài xâm nhập Ukraina từ lãnh thổ của Nga.
Trong khi đó, các báo mạng của Nga đang tố cáo vai trò của phương Tây trong việc xúi giục chính quyền Kiev đàn áp người dân nói tiếng Nga ở các tỉnh miền đông Ukraina. Hãng tin RIA Novosti đưa tin, ngoài hàng chục thi thể của dân quân Donetsk còn có rất nhiều thi thể của dân thường. Tất cả những người này là nạn nhân của các cuộc tấn công bạo lực vào thành phố trong những ngày gần đây do các đơn vị quân đội trung thành với Kiev, các lính đặc nhiệm cận vệ quốc gia và các đơn vị đặc nhiệm thực hiện.
Người dân chết dưới bom đạn, bị nổ mìn, do tên lửa bắn từ máy bay và trực thăng của quân đội chính phủ. Các kênh truyền hình Nga công bố cảnh quay vụ tấn công tên lửa vào Donetsk, cảnh khủng khiếp những xác chết trên đường phố và trong nhà xác. Binh sĩ người Ukraina nổ súng thậm chí vào những người bị thương.
Theo chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân tự tuyên bố Donetsk, trên địa bàn thành phố, binh sĩ Ukraina đã nổ súng vào hai chiếc xe tải chở những người bị thương tới bệnh viện, rồi bắn tên lửa không đối đất.
Trước tình hình này, Moskva kêu gọi chấm dứt ngay hoạt động quân sự của Ukraina nhắm vào những phần tử đòi ly khai thân Nga, trong lúc các giới chức ở Kiev hứa tiếp tục cuộc hành quân cho tới khi nào các phiến quân đầu hàng hoặc bị tiêu diệt. Phòng thông tin Điện Kremlin trích lời Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi “ngưng ngay những hành động trừng phạt quân sự” ở đông nam Ukraina và bắt đầu “cuộc đối thoại hòa bình” giữa chính phủ Ukraina và phe đòi ly khai. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng kêu gọi nhanh chóng chấm dứt những hoạt động quân sự và nói rằng Nga ủng hộ những nỗ lực nhằm thương thuyết cho một giải pháp hòa bình cho vụ khủng hoảng.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống vừa mới được bầu Petro Poroshenko bày tỏ mong muốn tiến hành ngay lập tức các cuộc thương lượng với Mỹ và châu Âu về một liên minh quốc phòng “để bảo vệ Ukraina” về mặt quân sự. Theo giới quan sát, tân Tổng thống Poroshenko dù đã giành được chiến thắng áp đảo, nhưng sẽ đối mặt với những nhiệm vụ bất khả thi. Đó là đất nước đang bị xâu xé bởi các cuộc đối đầu quân sự ở miền đông. Đó là một nền kinh tế èo uột. Tờ Le Monde của Pháp ra ngày 29/5 nhận định, ông Poroshenko phải hiểu là muốn giải quyết xung đột ở miền đông, thì chính phủ của ông phải cần hợp tác với Nga. Giải pháp quân sự là không thể. Các tay súng miền đông được Nga ủng hộ, bởi thế nếu không hợp tác với Nga thì không thể ổn định tình hình.
Theo giới phân tích, tương lai Ukraina trong thời gian tới sẽ tùy thuộc vào ba điều. Thứ nhất là sự ủng hộ của Mỹ và EU cả trong ngoại giao, kinh tế và tài chính; thứ hai là mức độ can thiệp của Nga và cuối cùng là hai việc trên lại tùy thuộc rất lớn vào sự khôn ngoan của tân Tổng thống Ukraina, đó là ông có hòa giải được các lực lượng trong nước để cô lập các nhóm quá khích không? Có cải thiện mau chóng và hiệu quả trong kinh tế, tài chính và chống tham nhũng không? Nếu không giải quyết tốt được các khó khăn trên thì ông Poroshenko sẽ chỉ là “Vua sôcôla” gặp lửa nóng chảy thành nước vô dụng.
Trong bài phát biểu chiến thắng, Tổng thống mới của Ukraina cho biết chủ trương và lịch trình làm việc đầu tiên: Hợp tác tốt với EU và tái lập quan hệ với Moskva. Sau lễ nhậm chức Tổng thống vào 8/6, ông sẽ đi Ba Lan để gặp Tổng thống Obama và đại diện của EU, sau đó sẽ thăm Nga gặp Tổng thống Putin.
Về chính sách đối nội, ông chủ trương tha thứ cho những ai từ bỏ bạo động và những người gốc Nga ở Ukraina có quyền giữ ngôn ngữ của họ. Qua các tuyên bố đầu tiên này cho thấy, trong nước ông Poroshenko muốn hòa giải với nhóm người gốc Nga ở phía Đông và Nam Ukraina và về ngoại giao ông muốn dựa lưng vào Mỹ và EU để thương lượng trong thế tốt với Nga.
Nh.Thạch - Petrotimes.vn