Ngày 7.5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã rút quân khỏi biên giới với Ukraine, đồng thời kêu gọi phe ly khai ở khu vực đông nam Ukraine hoãn tổ chức cuộc trưng cầu này.
Ảnh: Quân Ukraine rút khỏi tòa thị chính Mariupol
Đỉnh cao cuộc khủng hoảng sẽ là chủ nhật 11.5, các phe đòi ly khai muốn tổ chức trưng cầu dân ý ở khắp miền đông và nam, gồm ở Donetsk và Luhansk, và có thể ở Kharkiv và Odessa.
Kết quả có thể sẽ là miền đông ly khai với miền tây để trở thành một nhà nước độc lập, hoặc noi theo Crimea đã sáp nhập vào Nga hồi tháng 3. Đến ngày bầu cử Tổng thống 25.5, có thể Ukraine sẽ chẳng còn là một quốc gia thống nhất.
Các nhà phân tích chính trị nói chính khách Putin lão luyện đã có một cuộc “rút lui chiến thuật” thông minh, vì đang có chứng cứ lãnh đạo “Cộng hòa nhân dân Donetsk” chưa có khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.
Bình luận của ông Putin trùng với việc quân Ukraine lại thất bại trong “chiến dịch chống khủng bố” của họ để tái chiếm vùng Donetsk: rạng sáng thứ Ba, cảnh sát và binh lính toan xua phe đòi ly khai ở tòa thị chính Mariupol, thành phố lớn thứ hai ở vùng Donetsk với 500.000 dân. Các nhân chứng kể quân chính phủ xịt hơi cay rồi xông vào tòa nhà, bắt 16 người rồi trương cờ Ukraine.
Sau đó số quân này rút khỏi trụ sở, phe đòi ly khai lại chiếm tòa nhà, đám đông hoan hô khi một người đeo mặt nạ chống hơi cay leo lên nóc nhà, trương lại cờ “Cộng hòa nhân dân Donetsk”. Một người nói: “Quân Ukraine cần có ảnh đã chiếm lại tòa nhà cho giới truyền thông nên mới trương cờ Ukraine đấy thôi”.
Ông Putin kêu gọi Kiev dừng chiến dịch chống phe đòi ly khai, nhưng ông cũng nói: “Chúng tôi kêu gọi đại diện khu vực đông nam hoãn tổ chức cuộc trưng cầu ngày 11.5 để tạo ra các điều kiện cần thiết cho một cuộc đối thoại với Ukraine”.
Vấn đề là Donetsk đông dân nhất Ukraine, với 4,5 triệu người. Tổ chức trưng cầu trên một khu vực 10.000 dặm vuông sẽ cần đến hàng ngàn điểm bỏ phiếu cùng sự hợp tác của hàng ngàn nhân viên. Khả năng tổ chức thì vượt quá tầm của lãnh đạo “Cộng hòa Nhân dân Donetsk”.
4 ngày trước kế hoạch này, các vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết, gồm định vị trí điểm bỏ phiếu. Như vậy, lãnh đạo “Cộng hòa nhân dân Donetsk” có nguy cơ bị thất bại. Nên “Thủ tướng” tự phong Denis Pushilin nhanh chụp cơ hội rút lui. Một giờ sau khi ông Putin có ý kiến, ông Pushilin nói: ““Chúng tôi tôn trọng ông Putin. Ông ấy là một chính khách cân bằng. Nếu ông ấy nhận định cần hoãn, dĩ nhiên chúng tôi sẽ tính đến phương án này”.
Khi được đề nghị nói rõ quan điểm của ông Putin, người phát ngôn của ông Putin là Dimtry Peskov, nói với trang tin Slon.ru: có hai điều kiện để Nga công nhận cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine ngày 25.5 tới là hợp pháp. Đó là Kiev kết thúc hoạt động quân sự và mở cuộc đối thoại, cùng việc phe đòi ly khai hoãn trưng cầu dân ý.
Ông Peskov nói: “Nếu phe ủng hộ liên bang hóa ở đông Ukraine nghe theo kêu gọi của ông Putin, và Kiev đổi lại ngưng hoạt động quân sự và đối thoại, điều đó có thể cho phép Ukraine thoát khỏi tình hình hiện chỉ có sa sút”.
Bảo Vĩnh - Moththegioi.vn(theo Daily Telegraph)