Một sự đồng thuận hiếm hoi giữa Nga và phương Tây trong thời gian này là quyết định thông qua gói hỗ trợ 17 tỷ USD mà Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đề xuất vào ngày hôm qua (30/4).
Quyết định hôm thứ Tư cũng mở ra một gói hỗ trợ tài chính quốc tế 15 tỷ USD, bao gồm các khoản nợ và các gói tiền tệ khác từ Mỹ, châu Âu và Ngân hàng Thế giới (WB). Trong vài ngày tới, chính quyền lâm thời Kiev sẽ nhanh chóng nhận được hơn 3 tỷ USD từ IMF.
Người dân mang nước uống cho lính vũ trang thân Nga bên ngoài một tòa thị chính ở Luhansk, miền đông Ukraine, ngày 30/4/2014.
“Hành động khẩn cấp là cần thiết, các biện pháp cần thiết đã được Ukraine đưa ra và IMF đã phê duyệt”, Giám đốc điều hành quỹ IMF Christine Lagarde nhận định sau khi công bố quyết định.
Theo tờ Wall Street Journal, đây là gói cứu trợ khẩn cấp lớn nhất từ trước đến nay mà quỹ này từng trao cho một đất nước đang gặp khủng hoảng. Nó được thông qua nhanh chóng bất chấp những bất đồng giữa các thành viên có tính quyết định đối với quỹ như châu Âu, Mỹ và Nga, các bên đang đối lập với nhau về quan điểm và cách cư xử với Ukraine hiện nay.
Tuy nhiên, mỗi bên đều có một mục đích riêng khi quyết định thông qua gói cứu trợ này. Đối với Mỹ và châu Âu, khoản viện trợ chính là liều thuốc cứu sống chính phủ non trẻ vừa mới được hình thành ở Ukraine cách đây vài tháng. Chính phủ lâm thời Ukraine hiện nay đang đứng giữa luồng giao tranh mới giữa phương Tây và Nga kể từ sau chiến tranh Lạnh.
Đối với Nga, khoản vay nhằm cứu vớt nền kinh tế đối tác của họ, ngăn ngừa sự sụp đổ của Ukraine và làm giảm nguy cơ mất trắng số tiền mà Kiev hiện đang nợ Matxcơva vì mua khí đốt. Đồng thời, Nga cũng sẽ đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào miền đông Ukraine và thúc đẩy đầu tư nhằm đối phó lại với các điều kiện thắt lưng buộc bụng mà IMF buộc quốc gia Đông Âu này phải thực hiện.
Quyết định được đưa ra sau khi IMF hạ triển vọng tăng trưởng của Nga một cách khá mạnh tay. Chuyên gia kinh tế của IMF, ông Antonio Spilimbergo trước đó từng nói rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây, kết hợp với việc các nhà đầu tư rút vốn đã và đang đẩy Nga vào một sự suy thoái kinh tế. IMF đã hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm nay xuống còn mức 0,2%, thấp hơn nhiều so so dự báo 1,3% một vài tuần trước đó. Ông Spilimbergo cho biết các biện pháp trừng phạt kéo dài và mở rộng có thể gây ra một cuộc suy thoái sắc nét hơn và ảnh hưởng nhiều hơn nữa tới nền kinh tế Nga.
Gói hỗ trợ này cũng được cho là bất thường nếu so sánh với gói hỗ trợ trước đây IMF từng cung cấp cho Hy Lạp. Nếu với Hy Lạp, IMF không cho phép quốc gia này để mất giá đồng tiền dù số tiền nợ của nước này lớn hơn nhiều so với Ukraine. Trong khi đó, IMF đã để cho Ukraine quyền được phá giá đồng tiền trong trường hợp “cần thiết” dù rằng số nợ của Ukraine không phải là lớn nếu so với Hy Lạp.
MINH ANH (lược dịch)
Infonet