Ban đầu, theo nhiều chuyên gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhiều lý do để chiếm Ukraine như lấy lại khu vực mà trước đây đã từng là một phần của Nga; tiếp cận trực tiếp các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nhà máy có vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp quân sự của Matxcơva kể từ thời Xô Viết.
Quân đội Ukraine ở một thành phố phía đông. |
Nhưng những lý do khiến ông Putin không làm như vậy còn nhiều và phức tạp hơn. Đó là: chi phí cho một lực lượng chiếm đóng khổng lồ; trách nhiệm cung cấp phúc lợi cho hàng triệu người Ukraine; ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn của phương Tây đối với nền kinh tế Nga; khả năng Nga sẽ có thương vong đáng kể khi bộ phận dân chúng ủng hộ phương Tây chống Nga ở Ukraine khá cao.
Do đó, các nhà phân tích cho rằng, nếu chiếm Ukraine, Nga sẽ gặp nhiều vấn đề hơn là những lợi ích có được.
Mark Galeotti, giáo sư thuộc Đại học New York, đồng thời là chuyên gia về các lực lượng an ninh Nga nhận định: "Theo quan điểm của ông Putin, can thiệp quân sự là Kế hoạch B. Nó được thảo luận nhưng không phải là một phương án lý tưởng”.
Nhiều nhà phân tích của phương Tây còn cho rằng ông Putin chỉ không muốn tình hình ở Ukraine quá yên ả để nước này có thể gia nhập Liên minh châu Âu, hay tệ hơn là gia nhập NATO. Trước đây, Nga cũng dùng kịch bản này với Gruzia và Moldova.
Trong khi đó, Vladislav Zubok, một chuyên gia về Chiến tranh Lạnh đang giảng dạy tại Trường Kinh tế London, đã có nhiều năm nghiên cứu sự sụp đổ của Liên Xô, cho biết các quan chức Liên Xô đã cảm thấy rất hoảng sợ trước viễn cảnh mất cả Crimea và trung tâm công nghiệp của Ukraine. Do đó cuộc khủng hoảng hiện nay có nguyên nhân rất sâu sắc.
Tuy nhiên, theo ông Zubok, Nga có tiền lệ về việc thực hiện các cuộc diễn tập quân sự cao cấp, chứ không tiến hành xâm lược, để kiểm soát tình hình của các nước láng giềng đang có bất ổn. Nga đã áp dụng chiến thuật này đối với Berlin năm 1958, và Ba Lan trong những năm 1980, 1981. Nếu Nga tiếp tục chiến lược này với Ukraine, thì sắp tới sẽ không có một cuộc xâm lược nào xảy ra.
Không giống như ở Crimea, hiện có một bộ phận lớn người dân Ukraine ủng hộ phương Tây, chống Nga. Trong hình, những người ủng hộ phương Tây đang biểu tình yêu cầu Putin không can thiệp vào Ukraine. |
Ông cho rằng nguyên nhân chính khiến Nga do dự ở Ukraine là vì lo sợ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà ông Putin đang vực dậy.
Ông nói: "Ông Putin sẽ phải giải thích lý do tại sao ông lại mạo hiểm tiến hành chiến tranh và đối mặt với các biện pháp trừng phạt và làm thế nào để đảm bảo cuộc sống của 7 triệu người dân Ukraine. Làm sao có thể làm điều đó mà vẫn duy trì được mức sống cơ bản của tất cả người dân Nga? Ông ấy chỉ có thể nói: ‘Các bạn hãy hy sinh vì đất nước Nga. Đã đến lúc ‘thắt lưng buộc bụng’”.
Hiện tại, việc sáp nhập Crimea cũng đã có một số tác động tiêu cực đối với Nga.
Các cố vấn, các đồng minh thận cận nhất của ông Putin bị phương Tây trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crime được cho là không bị ảnh hưởng lớn. Nhưng nếu như Nga chiếm cả Ukraine, thì những biện pháp trừng phạt mới và khắc nghiệt hơn có thể sẽ được đưa ra, nhằm vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga. Và lúc đó, tình hình sẽ rất khác.
Igor Korotchenko, thành viên của hội đồng cố vấn cho quân đội Nga và là Tổng biên tập của Tạp chí Quốc phòng Quốc gia Nga cho biết: "Kịch bản sẽ giống những gì đã xảy ra với Iran. Liên bang Nga sẽ không đưa quân vào miền đông Ukraine".
Ông Korotchenko cho rằng Nga có thể sẽ can thiệp quân sự với vai trò là lực lượng gìn giữ hòa bình nếu quân đội Ukraine gây nhiều thương vong trong các cuộc trấn áp biểu tình và những người ủng hộ Nga.
Không giống như ở Crimea khi binh lính ủng hộ Nga được hầu hết người dân chào đón, theo các cuộc thăm dò gần đây ở miền Đông Ukraine, những khu vực nhiều nhất cũng chỉ có một phần ba người dân cho biết muốn sáp nhập với Nga.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng với số lượng binh sĩ khoảng 40.000 ở biên giới phía đông Ukraine, Nga sẽ không thể chiếm khu vực này. Alexander M. Golts, một nhà phân tích quân sự độc lập của Nga cho biết: “Bạn không thể chiếm khu vực này chỉ với số lượng binh sĩ nhỏ như vậy. Bạn sẽ phải cần tới 140.000 binh sĩ”.
Tuy nhiên, bất kỳ cuộc trò chuyện hay bài báo nào về Nga đều đưa ra những lời cảnh báo.
Một bài phân tích của viện Royal United Services trong tháng này cho biết: "Không ai, kể cả ông Putin, biết được ông ấy sẽ làm gì tiếp theo khi tình hình thay đổi”. Hơn nữa, ông Putin vẫn luôn khẳng định sẽ bảo vệ những người dân nói tiếng Nga ở Ukraine.
Theo nhiều chuyên gia quân sự, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga dường như đã sẵn sàng chiếm Ukraine.
Hôm 24/4, Ukraine đã bắt đầu các hoạt động vũ trang nhằm đánh bật các chiến binh ủng hộ của Nga đang chiếm giữ các tòa nhà chính phủ tại 10 thành phố phía đông Ukraine. Đáp lại, Nga đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự rộng lớn dọc biên giới với Ukraine. Nhà Trắng cho biết Nga đã nhiều lần vi phạm không phận Ukraine trong vòng 24 giờ trong cuộc diễn tập, nhưng phía Nga phủ nhận thông tin trên.