Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Chuyện Mỹ tố Nga can thiệp bầu cử và vấn đề dân chủ trên toàn thế giới

Thứ sáu, 06/01/2017 | 05:42
Với cuộc điều trần của Thượng viện vừa diễn ra, thay vì tập trung vào chỉ trích hay tố cáo chính phủ Nga. Người Mỹ lẽ ra nên xem đây là một cơ hội để xác định tiêu chuẩn đánh giá đâu là hành vi hợp pháp của các lực lượng bên ngoài trong các cuộc bầu cử dân chủ tại mỗi nước.

Chuyện Mỹ tố Nga can thiệp bầu cử và vấn đề dân chủ trên toàn thế giới

Cho rằng người Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, Washington đã có những hành vi đáp trả ngày càng mạnh mẽ và cũng gây chú ý dư luận nhiều hơn như trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao của Nga và đặc biệt là cuộc điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện vừa diễn ra. 

Ở phía bên kia, nước Nga đã phủ nhận hoàn toàn mọi cáo buộc, đồng thời, Tổng thống Vladimir Putin đã hứa sẽ không trả đũa bằng việc trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ. 

Đây rõ ràng là một cử chỉ đầy thiện chí của ông Putin, và có thể sẽ gây ấn tượng tốt với vị Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump - một nhân vật đầy cá tính, không ít lần thể hiện sự ấn tượng tốt đối với các nhà lãnh đạo của Nga và nhất là đã khen ông Putin “thông minh” trên mạng xã hội Twitter gần đây.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào thiện chí của mình và hy vọng ông Trump sẽ đảo ngược lại các chính sách thù địch gần đây của chính quyền Obama, có lẽ ông Putin phải suy nghĩ lại vì dường như ông đã phạm hai sai lầm lớn:

Đầu tiên, ông Putin có vẻ đã đánh giá quá cao quyền lực của Tổng thống Mỹ. Ngay cả khi ông Trump có thể hiện một cách rõ ràng mục tiêu của ông ta trong việc xây dựng mối quan hệ khăng khít hơn với nước Nga, thì ông Trump vẫn bị “níu giữ tay chân” bởi những điều luật hiện hành và các hoạt động cản trở của Quốc hội. Không một vị Tổng thống Mỹ nào có thể tận hưởng các đặc quyền như Tổng thống Nga trong lĩnh vực đối ngoại của đất nước.

Thứ hai, ông Putin lại đánh giá quá thấp các hệ lụy tiêu cực từ tin đồn người Nga đã tấn công vào mạng trực tuyến của hệ thống bầu cử Mỹ, một trong những hệ lụy tiêu cực nhất chính là phản ứng của giới chính trị gia nước Mỹ, gồm cả Quốc hội Mỹ chứ không phải duy nhất ông Obama.

Chuyện bầu cử Mỹ

Trong tuần này, nữ Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, một trong những thành viên ôn hòa của đảng Dân chủ, đã tỏ ra đồng ý với lập trường của hai Thuợng nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa John McCain và Lindsey Graham. Họ cùng bày tỏ mối quan tâm về ảnh hưởng của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua. 

Cuộc điều trần tại Thượng viện dưới sự lãnh đạo của ông McCain, được dự đoán công bố một thông điệp tố cáo mạnh mẽ về “hành vi can thiệp bầu cử” của nước Nga và sự việc thực tế đã diễn ra còn xa hơn cả dự đoán.

Trong cuộc điều trần vừa diễn ra, ông McClain đã mở đầu cuộc điều trần về “nỗi cay đắng của Mỹ” khi cho rằng Nga đã can thiệp vào hệ thống bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. 

Và khẩu pháo chủ lực trong cuộc điều trần, chính là giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper người chuẩn bị rời khỏi chức vụ vào ngày 20.1 đã cực kỳ kiên quyết khẳng định Nga đã tiến hành tấn công mạng nhằm tác động vào kết quả bầu cử vừa qua.

Theo ông Clapper, Nga đã ít nhất hai lần tổ chức các cuộc tấn công mạng vào đảng Dân chủ, cũng như tuyên truyền và tin tức giả mạo nhằm vào cuộc bầu cử ngày 08.11.2016. Và Nga còn thực hiện một cuộc tấn công còn nguy hiểm hơn thế vào vào ngày 07.10.2016. 

“Đây là một hành vi chiến tranh”, ông Clapper nói.

Tất nhiên, lấy lý do an ninh ông Clapper không trưng ra bằng chứng tố cáo hành vi của Nga ông chỉ cho biết sẽ công bố mục đích của các cuộc tấn công vào tuần tới. 

Bản thân ông cũng gọi những nghi ngờ mà ông dành cho tân tổng thống Trump là “những nghi ngờ lành mạnh” không mang tính đả kích. Một ngày sau khi cuộc điều trần diễn ra, bản báo cáo điều tra về các cuộc tấn công mạng sẽ được trình cho ông Trump.

Các nhà lập pháp từ hai đảng đều tỏ ra cảnh giác với Moscow, kêu gọi trừng phạt kinh tế nhiều hơn cùng với nhiều hành động cứng rắn khác, đồng thời họ tỏ ra mất niềm tin với ông Trump khi ông tỏ ra khen ngợi Putin và ý muốn hàn gắn những rạn nứt giữa Mỹ và Nga.

Như vậy có thể thấy, dẫu ông Putin đã tỏ ra thiện chí, nhưng con đường hàn gắn mối quan hệ Nga - Mỹ thật sự còn rất nhiều trắc trở. Tuy nhiên, cũng có thể với lời hứa thiện chí của mình ông Putin không chỉ nhắm vào Washington mà còn cả châu Âu.

Và những cuộc bầu cử ở châu Âu sắp tới

Trong năm 2017 này, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến các cuộc bầu cử ở Hà Lan, Pháp, Đức và có thể cả Ý. Với việc không đáp trả các hành vi trừng phạt ngoại giao của Obama, ông Putin đã khiến cho Mỹ đang trở thành bên duy nhất gây sự trong sự kiện lần này. Qua đó, ông muốn chứng minh với cử tri châu Âu rằng, ông không phải là mối đe dọa đáng lo ngại.  

Tuy nhiên, mục tiêu của ông Putin vẫn là muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt nước Nga bởi Mỹ và châu Âu vốn được ban hành sau khi nước Nga can thiệp vào Ukraine và sáp nhập Crimea. 

Liệu rằng, nước Nga sẽ lập lại các hành vi tương tự với các cuộc bầu cử sắp tới ở châu Âu, khi mà năm 2015 tại Bundestag đã chứng kiến các cuộc tấn công hệ thống mạng Quốc hội Đức mà thủ phạm bị nghi ngờ vẫn chính là người Nga.

Nhưng những cử tri Châu Âu nghĩ gì về ảnh hưởng của người Nga trong cuộc bầu cử? Có lẽ lá phiếu của họ cũng sẽ bị người Nga định hướng như cách mà nước Mỹ đã làm với châu Âu trong nhiều cuộc bầu cử ngày trước đặc biệt là thời Chiến tranh lạnh.

Năm 1948, nước Mỹ quyết tâm ngăn chặn đảng Cộng sản Ý giành thắng lợi trong bầu cử, thông qua việc tài trợ cho đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo Ý và dọa sẽ cắt viện trợ nước Ý nếu đảng Cộng sản thắng lợi. 

Không chỉ thế, nước Mỹ tiếp tục can thiệp vào Chi Lê, Nicagarua, Iran và nhiều nơi khác với quyết tâm rất lớn, là giữ những nước này khỏi ảnh hưởng của Liên Xô.

Không ít người châu Âu chắc chắn cảm thấy lo lắng vì sự can thiệp của Mỹ hơn cả của Nga với các cuộc bầu cử của nước họ. Không thể phủ nhận trong quá khứ, chính nước Mỹĩ đã vượt qua giới hạn hợp pháp để can thiệp bầu cử các nước châu Âu. 

Điều này, có thể phần nào chấp nhận trong thời Chiến tranh lạnh, nhưng ngày nay những sự can thiệp như thế dù từ phía Mỹ hay Nga đều khiến nền dân chủ dễ trở nên mất đi giá trị.

Cần đến những tiêu chuẩn chung về dân chủ

Hài hước thay, không chỉ Mỹ, Nga mà chính các chính phủ châu âu cũng đã cung cấp việc tư vấn tài liệu, hỗ trợ kỹ thuật và cả tiền vốn để chi phối bầu cử ở các nước kém phát triển hơn. Họ vận động ủng hộ hay tẩy chay một đảng phái tại những quốc gia nghèo với danh nghĩa “thúc đẩy dân chủ”.

Liệu rằng có thể chấp nhận các chính phủ ngoại quốc, hoặc trực tiếp hoặc thông qua các “kênh dân sự” để cung cấp vốn và vận động hành lang cho một đảng phái? 

Liệu có thể chấp nhận chính phủ ngoại quốc có thể đột đột nhập vào cơ sở dữ liệu và các nguồn thông tin khác của nước sở tại, sau đó tiết lộ với một bên thứ ba? 

Liệu một vụ tấn công vào hệ thống dữ liệu lưu trữ trên vi tính có khác với một cuộc ăn cắp dữ liệu trong văn phòng?

Đã đến lúc, Mỹ và các đồng minh châu Âu nên đạt được một sự thống nhất chung về nhận thức, định nghĩa, giới hạn… về hành vi của một chính phủ ngoại quốc, khi tác động kết quả các cuộc bầu cử ở các nước sở tại.

Và cuộc điều trần của Thượng viện vừa diễn ra, thay vì tập trung vào chỉ trích hay tố cáo chính phủ Nga, người Mỹ lẽ ra nên xem đây là một cơ hội để xác định tiêu chuẩn đánh giá đâu là hành vi hợp pháp của các lực lượng bên ngoài trong các cuộc bầu cử dân chủ tại mỗi nước. 

Và nước Mỹ, sẽ dẫn đầu trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn này để giới hạn chính các hành vi tác động của mình trong các cuộc bầu cử ở các nước khác. Tiếc thay…!

Chúng ta đang sống trong một thế giới liên kết rất chặt chẽ và phức tạp, do đó thiết lập các tiêu chuẩn này sẽ không dễ dàng. Nhưng nếu không xây dựng các tiêu chuẩn rõ ràng và minh bạch thì chuyện các nước lớn sử dụng “các tiêu chuẩn kép” sẽ xảy ra thường xuyên và không chỉ các nền dân chủ sẽ bị lung lay, mà cả nền hòa bình thế giới cũng sẽ liên tục bị đe dọa không ngừng.

Huy Thông /motthegioi.vn(theo Telegraph, Reuters)