![]() |
Tổng thống Ukraine Poroshenko và Tổng thống Nga Putin. |
![]() |
Giọt nước làm tràn ly
Căng thẳng trong quan hệ Nga – Ukraine không chỉ mới xảy ra mới đây mà nó bắt đầu từ sau sự kiện Maidan, diễn ra hồi năm 2014. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, các nước phương Tây và Kiev đã không thừa nhận tính hợp pháp trong vấn đề này và cáo buộc Moscow đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông nước này (vùng Donbass).
Mới đây nhất, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết nước này không đồng ý với đề xuất của Moscow về ứng cử viên Đại sứ Nga nhiệm kỳ tiếp theo tại Kiev.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia Ukraine - Kênh 5, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine phụ trách các vấn đề hội nhập châu Âu Olena Zerkal tuyên bố, nước này quyết định không xem xét đề xuất Đại sứ mới của phía Nga. Bà Olena không nói rõ lý do tại sao Ukraine lại từ chối đề xuất này của Nga.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã bãi miễn chức vụ Đại sứ Nga tại Ukraine đối với ông Mikhail Zurabov. Điện Kremlin đã đề cử ông Mikhail Babich, người từng giữ một trong số chức vụ cấp cao tại Nga, trong đó có Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), thay thế Đại sứ Nga Mikhail Zurabov tại Ukraine. Hiện nay, đại diện chính thức của Moscow tại Kiev là Đại biện lâm thời Sergey Toropov.
Ukraine đã thay Đại sứ tại Nga vào năm 2014 sau khi mối quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng. Hiện nay, Ukraine chỉ cử đại diện ngoại giao tạm thời tại Nga.
Sau khi hai bên “đấu khẩu” ngoại giao và có những hành động “rắn hơn” như việc đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu (Ukraine) và họp khẩn Hội đồng an ninh (Nga), có thể thấy quan hệ Nga – Ukraine thực sự đang đứng “bên bờ vực thẳm”.
Tờ báo Izvestia (Tin tức) dẫn nguồn tin ngoại giao Nga cho biết, Moscow đang xem xét phương án đáp trả âm mưu khủng bố tại bán đảo Crimea mà phía Nga cho rằng có sự liên quan của tình báo quân đội Ukraine, trong đó thảo luận khả năng cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Kiev.
Cũng theo nguồn tin trên, để đáp trả hành động này của Kiev, Moscow đang xem xét khả năng đóng cửa Đại sứ quán của mình tại Kiev và triệu hồi tất cả các nhân viên ngoại giao về nước.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết nước này có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine sau những vấn đề liên quan đến an ninh ở bán đảo Crimea.
Đề cập đến khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine, Thủ tướng Nga Medvedev tuyên bố ông không muốn mối quan hệ ngoại giao với Ukraine bị cắt đứt, song "nếu không còn phương án nào khác để thay đổi tình hình hiện nay, Tổng thống Vladimir Putin có thể thông qua quyết định đó".
Theo các chuyên gia phân tích, Nga hiện tập trung quân tại bán đảo Crimea, "leo thang quân sự" tại miền đông nam Ukraine "không phải là không thể".
Cho dù một cuộc "chiến tranh công khai" trong hoàn cảnh hiện nay là điều rất khó xảy ra, nhưng Moscow rất có thể sử dụng lý do "Ukraine gây căng thẳng" để đánh lạc hướng người dân Nga khỏi nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước.
Việc làm căng thẳng gia tăng tại bán đảo Crimea có thể là một hành động của Moscow nhằm làm gây khó khăn cho nền kinh tế Ukraine, vốn mới bắt đầu phục hồi. Đối với Nga, thành công của Ukraine là "không thể chấp nhận được", trong lúc chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Nga thoát khỏi khủng hoảng.
![]() |
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Những hậu quả đối với Ukraine
Trước tiên, tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin trở lại các từ ngữ "những đối tượng tiếm quyền và nắm giữ quyền lực tại Ukraine" đối với giới lãnh đạo Ukraine và cá nhân ông Poroshenko. Động thái này có thể dự đoán rằng Moscow sẽ bắt đầu thay đổi hoàn toàn chính sách quan hệ với Chính quyền Kiev hiện nay. Chính quyền Kiev không còn là chính quyền hợp pháp đối với Nga.
Trước đây, phương Tây thuyết phục Moscow công nhận Poroshenko được bầu hợp pháp, mặc dù không có xác nhận chính thức về vấn đề này được đưa ra. Nhưng hiện nay khi Kiev bước qua “ranh giới đỏ” và mưu hại lãnh thổ Nga, thì sẽ có mối quan hệ hoàn toàn khác đối với Ukraine.
Thứ hai, lưu ý đến sự nhạy cảm đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin đối với cái chết của hai binh sĩ Nga. Với sự cho phép của các quốc gia láng giềng, có thể tự tin rằng, cũng giống như Ankara trước đây, Kiev khó có thể thoát khỏi những biện pháp trừng phạt trả đũa: “Chúng ta sẽ không bỏ qua cái chết của hai quân nhân Nga”.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mọi thứ kết thúc rất tồi tệ, nhưng dù sao Ankara cũng phụ thuộc ít vào Nga. Và điều quan trọng là Ankara hoàn toàn không lên kế hoạch cho nổ tung các thành phố của Nga, mà đó chỉ là chiến dịch quân sự thuần túy theo những nguyên tắc của chiến tranh, nhưng vẫn bị trừng phạt. Có thể dự báo rằng đối với Kiev còn tồi tệ hơn nhiều so với Ankara trước đây.
Thứ ba, điều quan trọng nhất đó là những lời lẽ của ông Putin về sự vô ích nói chuyện với chế độ Kiev trong khuôn khổ nhóm "Bộ Tứ Normandy". Điều này cho thấy chiến dịch ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố ngay từ đầu đã trở thành chiến dịch chính trị. Nước Nga với sự tấn công từ phía Ukraine buộc phải thay đổi luật chơi xung quanh Thỏa thuận Minsk 2. Điều này cũng gợi nhớ đến tình hình với Thổ Nhĩ Kỳ, khi mà Moscow phải chờ đợi quá lâu cho tới khi Erdogan tự dồn mình vào ngõ cụt, và khi điều đó xảy ra, bắt đầu với sự khéo léo cương quyết Nga đã ép được những nhượng bộ mà Moscow đang cần. Kịch bản này sẽ được tái diễn trong quan hệ với Ukraine.
Trong mắt ông Putin, nhóm "Bộ Tứ Normandy" đã mất hết ý nghĩa. Điện Kremlin hoàn toàn thất vọng về tiến trình đàm phán này: Ngay sau khi âm mưu khủng bố bất thành, thì việc nói chuyện với Ukraine sẽ khác đi. Đương nhiên, không một ai dỡ bỏ những yêu cầu thực hiện Thỏa thuận Minsk 2, tuy nhiên các cuộc đàm phán sẽ không còn nữa.
Hoặc phương Tây với thiện chí gây sức ép lên Kiev thực hiện một cách trung thực các cam kết của mình, hoặc là Nga sẽ gây sức ép, nhưng ngồi vào bàn đàm phán không phải ở cấp Đại sứ, mà phải giống như Moscow đã làm đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Danh sách các biện pháp gây áp lực của Moscow lên Kiev rất rộng. Đó có thể là bất cứ vấn đề gì, từ việc bắt đầu phong tỏa cung cấp khí đốt đến phong tỏa kinh tế qui mô lớn trên tất cả các lĩnh vực. Rõ ràng, đối với chế độ Kiev, đây là cái chết chính trị không thể tránh khỏi, mà không cần phụ thuộc vào việc nước này có tiến hành cuộc chiến tranh mới ở Donbass hay không.
Với sự bình tĩnh, nhà lãnh đạo Nga đang cắt ngắn tiến trình đàm phán và chuyển sang chiến thuật sức ép vũ lực chính trị và kinh tế, cho thấy rằng ông Putin đã hoàn toàn sẵn sàng cho bất cứ hành đông phiêu lưu mạo hiểm của Kiev ở Đông - Nam Ukraine. Như đã nói ở trên, tất cả các kế hoạch của nhà lãnh đạo Nga nhanh chóng có mặt trên bàn làm việc ở Moscow, không phải bí mật đối với giới lãnh đạo Nga và mối đe dọa nghiền nát chế độ Kiev ngày càng trở nên thực tế.
Nghiền nát chế độ Kiev là nằm trong tầm tay của Nga, và Moscow sẽ làm điều này trong trường hợp cần thiết. Điều cuối cùng duy nhất có thể giúp Nga kiềm chế được, đó là nếu Ukraine thực hiện một cách khôn ngoan và triệt để các Thỏa thuận Minsk đúng từng chi tiết.
Như vậy chúng ta có thể thấy, căng thẳng quan hệ Nga – Ukraine trong thời gian tới sẽ không thể “hạ nhiệt”. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 15/8 đã lên tiếng khẳng định rằng Nga sẵn sàng trưng cho Mỹ thấy những bằng chứng “không thể chối cãi” về sự dính líu của tình báo Ukraine đến các hành động phá hoại ở Crimea mà lực lượng an ninh Nga đã ngăn chặn. Vì thế, khi Nga tuyên bố nắm trong tay bằng chứng về âm mưu phá hoại bán đảo Crimea có bàn tay của tình báo quốc phòng Ukraine , chưa biết căng thẳng Nga – Ukraine sẽ đi về đâu?
Theo infonet.vn