Thông tin được Bộ ngoại giao Ukraine công bố. Theo đó, đại sứ Volodymyr Yelchenko được triệu hồi để thảo luận “những khía cạnh quốc tế nhất định” của cuộc bỏ phiếu ngày Chủ nhật, trong đó 96,7% cử tri tại khu vực Crimea đã bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập vào Nga sau 60 năm là một phần của Ukraine.
Trong tối qua, Nga đã chính thức công nhận Crimea là quốc gia độc lập.
Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trong bối cảnh khủng hoảng chính trị đang leo thang tại Ukraine, nơi được xem như trung tâm của cuộc so kè về địa chính trị nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Xe tăng tiến về biên giới Nga
Trong ngày hôm qua, Kiev đã điều động nhiều xe tăng tới khu vực Donbas, phía Đông thành phố Donetsk. Đây chính là khu vực biên giới của Ukraine với Nga, nơi Hồng quân Liên Xô từng đánh bại phát xít Đức để xoay chuyển cục diện Thế chiến II.
Nhưng lần này, khi những đơn vị xe tăng cũ kỹ của Ukraine được triển khai tới các cánh đồng lầy lội trong một nỗ lực nhằm giữ thể diện, súng và tháp pháo trên những chiếc tăng T-64 và T-72 lại chĩa về phía Nga.
Dù vậy, các đoàn xe quân sự của Ukraine ngay lập tức vấp phải sự ngăn cản của các nhóm hoạt động địa phương. Tại làng Elenvola, đã có những tranh cãi nổ ra khi chính những người Ukraine bày tỏ sự giận dữ.
“Người Nga và người Ukraine không buốn đánh lẫn nhau”, Ivan Inozemev, một quản giáo nói. “Chúng tôi sẽ vui khi trở thành một phần của Nga, nếu điều đó thành sự thật”.
Các quan chức tại Donetsk giờ đang phải đối mặt với cùng lúc hai mặt trận. Mátxcơva muốn họ sẵn sàng phản ứng trước đề nghị can thiệp, và hiện phong trào biểu tình đòi trưng cầu dân ý giống Crimea đang ngày một tăng trong khu vực này.
Trong khi đó, vị tỉnh trưởng tỷ phú của vùng này đã tuyên bố rằng, những nguồn lực hạn hẹp của địa phương sẽ được phân bổ cho hoạt động xây dựng các tuyến hào và các hệ thống phòng thủ khác để cho Nga thấy hành động xâm lược sẽ bị phản kháng.
“Việc này sẽ khiến chúng tôi tiêu tốn tương đương mua 15 trực thăng mới”, Sergei Taruta, một ông trùm ngành kim loại, người đã bốc chốc trở thành người lãnh đạo tỉnh nói tiếng Nga sau cuộc cách mạng Ukraine, khẳng định.
Tiếp đó, ông công bố một cách tiếp cận cứng rắn đối với chính sách của thành phố. Lần đầu tiên, ông Taruta tuyên bố sẽ đối đầu trực diện với các phong trào biểu tình, vốn đã nở rộ thời gian gần đây.
Một ngày sau khi người biểu tình đột nhập vào 3 tòa nhà tại Donetsk, trong đó có trụ sở công ty công nghiệp của chính ông Taruta, vị doanh nhân khẳng định cảnh sát sẽ bắt giữ, và giải tán mọi cuộc tụ tập.
“Sự mềm mỏng đã hết, giờ chúng ta sẽ bảo vệ chính mình”, vị tỉnh trưởng nói.
Thế nhưng ngay tại cửa chính của tòa nhà tỉnh trưởng, tuyên bố của ông Taruta đã bị thách thức bởi người biểu tình muốn tổ chức trưng cầu dân ý. Được tổ chức thành 3 nhóm khác nhau, họ đều có kỷ luật và quyết tâm.
Sau khi hát vang quốc ca Nga qua những loa lớn ngay trên thềm tòa nhà, Robert Donia, một lãnh đạo biểu tình khẳng định sẽ không dùng vũ lực để xông vào tòa nhà. “Chúng ta đã gửi đi yêu cầu của mình”, ông tuyên bố. “Quốc hội của vùng phải gửi công văn tới Kiev yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của chúng ta. Họ phải chấp nhận điều này”.
Đứng ngay trước hàng rào cảnh sát chống bạo động, Donia đã tranh luận với một đại diên do ông Taruta cử tới trong suốt gần nửa giờ. “Tại Crimea hôm qua, họ đã tổ chức trưng cầu dân ý. Donetsk cũng có thể làm vậy. Chúng ta có thể thành công”, Donia hô vang.
Trong khi đó, nhiều người trung thành với Ukraine tại Donetsk đã yêu cầu chính quyền có quan điểm cứng rắn hơn, sau khi một nhà hoạt động bị các đối thủ đối lập sát hại hôm thứ Năm. Thông tin Ukraine đang động viên binh sỹ để đối với phó sự can thiệp từ Nga là một sự khích lệ hiếm hoi cho các nhà hoạt động đã bị bao vây tại đây.
Theo Dân trí