Trở về từ Ukraine, cảm xúc của anh thế nào? Và lý do gì anh lại dấn thân vào điểm nóng này?
May mắn! May mắn có mặt ở một sự kiện được cả thế giới dõi theo mỗi ngày. Được chứng kiến, ghi nhận những ngày Ukraine chìm trong khói lửa. Và may mắn khi trở về thân thể lành lặn như lúc ra đi. Vâng - may mắn, nhất là với một người làm báo!
Như bạn đã biết, làm cái nghề mà tính chất đặc thù của nó, luôn là người “đến đầu tiên và ra về cuối cùng”, luôn là người “mò tới khi người khác bỏ đi”. Nên, việc tôi có mặt tại sự kiện này, cũng là lẽ thường tình thôi.
Còn tại sao, thì có vô vàn lý do để cắt nghĩa. Nhưng, có lẽ lý do lớn nhất không chỉ riêng cá nhân tôi, mà đa phần những người đang làm nghề này, là luôn tìm kiếm, mong muốn có một trải nghiệm lớn về nghề.
Gần hai tuần, sống, ăn, nghỉ, tác nghiệp ở một sự kiện như thế, với tôi, đó thực sự là một trải nghiệm khó quên, và tất nhiên ngộ ra được rất nhiều điều về sự sống, cái chết.
Những điều gì thách thức anh nhất khi tác nghiệp tại một sự kiện lớn như vậy?
Khó khăn thì nhiều. Để chia sẻ đầy đủ, chắc khó có thể nói hết được qua một bài viết. Tôi chỉ muốn nói thế này. Để tác nghiệp trong một sự kiện lớn, một sự kiện mà máu có thể đổ bất cứ lúc nào, thì điều đầu tiên cần có: Đó là sức khỏe phải thật khỏe. Kiến thức nghề phải đủ vững. Kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế phải đủ đầy. Nhạy bén về chính trị phải đủ thông. Và tất nhiên, phải đủ "lỳ" để vượt qua sự sợ hãi.
Như bạn thấy, tại thời điểm sự kiện “Euromaidan” xẩy ra với chính trường Ukraine, thì ở thủ đô Kiev, nhiệt độ luôn dao động từ 10 đến 20 độ âm. Với thời tiết khắc nghiệt thế, nếu bạn không đủ sức khỏe cũng như không đủ trang bị bảo hộ, bạn sẽ không thể chịu đựng nổi quá một ngày.
Còn nếu không đủ vững về tư duy, về nghiệp vụ và đủ lỳ lợm để vượt qua sự sợ hãi, bạn sẽ không thể xử lý được đầy đủ thông tin đang diễn ra ở hiện trường, nhất là trong môi trường chiến tranh. Ở môi trường đó, bạn vừa phải ghi nhận sự kiện, vừa phải quan sát thật nhanh những gì đang và sẽ diễn ra.
Phút thư giãn hiếm hoi giữa trận chiến khốc liệt. Ảnh: Mai Kỳ |
Trong một môi trường hỗn mang, sặc mùi thuốc súng đó, bạn có thể bất ngờ gục ngay tại chỗ bởi một viên đạn lạnh ngắt được bắn ra từ Cảnh sát đặc nhiệm Berkut và cũng có thể từ ngay những viên đạn “chẳng may” cướp cò của các “chiến binh maidan”. Nó bay ra từ nóc nhà, từ của sổ, từ bất cứ chỗ nào mà bằng mắt thường bạn sẽ không thể nhìn thấy. Một cái chết rất nhẹ.
Và không chỉ những viên đạn lạnh ngắt kết liễu bạn. Nơi đó bạn còn luôn phải đối phó, né tránh tìm chỗ nấp an toàn, nếu như không muốn dính đạn nổ, hơi cay, khí gas, gạch đá, bom xăng, và cả những can xăng dầu có thể bất chợt cháy nổ. Và tất nhiên, cái đầu bạn lúc nào cũng chực nổ tung, trong khi vẫn phải dịch chuyển liện tục để có một vị trí đứng tác nghiệp tốt nhất, nếu không muốn lỡ nhịp một khoảnh khắc đắt giá của thời sự.
Riêng về trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế, sự nhạy bén về chính trị, thì điều này rất quan trọng. Tôi đã từng tham gia tác nghiệp ở những sự kiện trong nước, như thiên tai bão lũ, hay những sự kiện có đông người tham gia...
Nhưng, đứng trước một sự kiện quốc tế được trải dài nhiều khu vực, lại tập trung nhiều hãng thông tấn lớn, cảm giác choáng ngợp hoang mang, e ngại, thiếu tự tin luôn thường trực trong tôi nhiều câu hỏi.
Mình sẽ phải ghi nhận cái gì? Cái gì thực sự quan trọng nhất của sự kiện? Chọn góc nhìn từ phía “chiến binh maidan” hay phía cảnh sát, hay là một chứng nhân trung lập... cứ bám riết theo tôi tròn một ngày tác nghiệp.
Chẳng giấu gì bạn, nghĩ vậy nói thế thôi, chứ sau một ngày phờ phạc “chiến đấu”, 8 Gb dữ liệu (hình ảnh) khi xem lại đều rất tệ, tức là thiếu ý hay. Bài học đầu tiên đấy!
Thuận lợi thì sao, thưa anh?
Sự nhanh nhaỵ, đôi khi có chút ma lanh và một khuôn mặt vóc dáng châu Á. Đó, là một lợi thế. Tôi nghĩ vậy.
Nhưng khách quan hơn thì, với bản tính chất phác, hiền hậu của người dân Ukraine luôn chảy từ trong huyết quản. Cùng với mục đích của họ là, rất cần truyền thông thế giới loan tin đăng tải... nên đa phần những người tham gia biểu tình và ở đây là những “chiến binh Maidan” đều thực sự thân thiện, dễ gần.
Tất nhiên không phải với ai hay hãng thông tấn nào họ cũng dễ chịu thế đâu.
Anh có thể chia sẻ thêm về hiện trường nơi anh tác nghiệp và, những diễn biến trong những ngày anh có mặt tại điểm nóng Euromaidan?
Chắc bạn đã xem trên truyền thông trong nước cũng như quốc tế về tình hình đất nước Ukraine những ngày lửa khói. Nếu để ý, bạn sẽ thấy hình ảnh quảng trường Độc Lập luôn được giới truyền thông quốc tế và trong nước đăng tải nhiều nhất. Bởi nơi đó luôn tập trung đông người biểu tình lập trại nhất. Nơi mà lãnh đạo các đảng đối lập luôn xuất hiện diễn thuyết để tìm kiếm sự đồng thuận, nơi mà bà cựu thủ tướng Yulia Tymosenco ngay sau khi được thả về từ nhà tù nằm ở ngoại ô Kharkov phía đông Ukraine, đã có mặt tuyến bố “Nếu chưa đạt được những gì mong muốn. Đừng rời khỏi Maidan”, trước khoảng 50 nghìn người biểu tình.
Một cảnh chiến trận giữa các chiến binh Maidan và lực lượng cảnh sát. Ảnh: Mai Kỳ |
Nhưng nơi thực sự có giao tranh ác liệt nhất lại cách Quảng trường Độc Lập hơn 1 km. Nơi - thực sự nóng đến phát sợ. Nơi - mỗi bước chân bạn đi là có thể nhìn thấy sự hoang tàn đổ nát. Nơi - mùi khói, mùi thuốc súng ngột ngạt, ken đặc trong từng hơi thở. Nơi - các “chiến binh maidan” với vũ khi thô sơ tự tạo và cảnh sát chống bạo động Berkut, với súng ống, khiên gậy, vòi rồng hơi cay... giành giật, xác lập “cuộc chơi” đến từng centimet. Nơi - chỉ cách đó vài trăm mét là văn phòng Tổng thống Yanukovich, người vừa mới bị Quốc hội phế truất cách đây vài ngày.
Để có thể ra vào chứng kiến, ghi nhận, tác nghiệp. Bất cứ ai cũng phải đi qua 4 trạm (hào lũy) được xây đắp từ rất nhiều “nguyên liệu” tại chỗ. Từ bàn ghế, ô tô, lốp xe cháy hỏng các loại. Đến những bao tải đá được “nhân tạo, thiên tạo” từ ngay trên mặt đường. Và phải qua những thủ tục kiểm tra giấy tờ bắt buộc do những dân vệ maidan chốt giữ.
Nói chung, nếu may mắn được nhìn thấy cảnh đó, bạn sẽ nghĩ khu vực này là một phim trường, được bàn tay của những nhà thiết kế tài ba nhất của Hollywood dựng lên.
Riêng cách thức tổ chức của những người biểu tình thì rất chuyên nghiệp, bài bản. Thật ngạc nhiên, khi những thùng rác được dựng lên quanh đó luôn đầy rác dù đây là khu vực chiến trường. Nhà vệ sinh lưu động luôn có những dòng người xếp thành hàng thẳng tắp, dù ở đây mọi giá trị không cần thiết phải đem ra so sánh. Cafe, trà nóng, bánh mỳ, bánh ngọt, trái cây... được các bà mẹ hay những cô gái Ukraine xinh đẹp làm sẵn từ nhà, nấu tại chỗ mang đến phục phục vụ “chiến binh maidan” và những người có mặt tại khu vực này, với lời cầu chúc may mắn. Găng tay, mũ len, khẩu trang, mặt nạ phòng độc, lót giầy, miếng dán nhiệt để giữ ấm, thuốc men các loại... bất cứ thứ gì, nếu bạn cần, đều được những ý tá, bác sỹ hỗ trợ giúp đỡ.
Anh có mặt ở Ukraine từ khi cuộc biểu tình mới manh nha, trước khi cuộc biểu tình bùng phát thành bạo lực đẫm máu như tất cả mọi người đã được chứng kiến. Điều gì khiến cho những người dân đang biểu tình ôn hoà lại trở nên phẫn nộ như vậy?
Tháng 11.2013, khi sinh viên và người dân tại Kiev, Lvov... xuống đường tuần hành với khuôn mặt tươi cười rạng rỡ đầy ôn hòa, với những khẩu hiệu, lời hô “Ukraine là một phần của Châu Âu - Chúng tôi cần có cuộc sống tốt hơn, chúng tôi cần có việc làm - Chúng tôi cần có một đất nước có dân chủ và không có tham nhũng...”, lúc đó chỉ có vài trăm người. Nhưng, tất cả đã chấm hết sau đó, giọt nước đã tràn ly khi cựu Tổng Thống Yanukovich trì hoãn ký kết hiệp ước hợp tác & liên kết với EU.
Khoản “cứu trợ” tài chính 15 tỷ usd, cùng những quyền lợi ưu đã khác từ Nga, đã kéo Yanukovich và lãnh đạo các đảng đối lập bước vào vòng xoáy xung đột. “Trò chơi” địa - chính trị với những nước lớn bắt đầu. Đất nước 46 triệu dân này bắt đầu trải qua những ngày đen tối nhất trong lịch sử mà cả thế giới đã chứng kiến.
Cuộc đối đầu giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Bekrut. Ảnh: Mai Kỳ |
Người biểu tình từ các tỉnh kéo về nhiều hơn. Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Berkut đã được lệnh thẳng tay đàn áp. Những vụ đánh đập, bắt bớ, thủ tiêu người biểu tình, bắt đầu lan rộng khắc các tỉnh thành Ukraine. Chiến lũy trải dài khắp các con phố gần khu vực trung tâm. Cơ sở vật chất bị hủy hoại. Kinh tế khủng hoảng, đồng tiền mất giá. Đất nước chia rẽ, số người chết và bị thương đã lên con số hàng nghìn.
Và tròn 10 năm sau cái ngày “Cách mạng Cam – 2014”, có lẽ, không ai, không một chính trị gia, nhà phân tích lọc lõi, hay những người quan tâm, nghĩ rằng... Ukraine sẽ có một cuộc “cách mạng” nữa, một cuộc “cách mạng” đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại.
Trong môi trường chiến tranh như vậy, anh có sợ không? Và điều gì đáng nhớ nhất đối với anh trong suốt quá trình tác nghiệp tại tâm điểm của cuộc biểu tình tại Ukraine?
Tôi may mắn có mặt ở Ukraine đúng lúc sự kiện Euromaidan bắt đầu. Lý do đó đủ để thôi thúc tôi bước qua ranh giới của sự sợ hãi. Được tác nghiệp trong môi trường quốc tế được va chạm với các phóng viên chuyên chuyện nghiệp, với ứng xử rất văn minh, biết chia sẻ, bảo vệ nhau trong khi tác nghiệp...luôn thực sự đầy cảm hứng với bất cứ phóng viên nào, tôi cũng không phải là ngoại lệ!
Các chiến binh maidan với vũ khí và trang bị thô sơ nhưng sẵn sàng "sống chết" với cảnh sát. Ảnh: Mai Kỳ |
Còn bạn hỏi tôi có sợ không, thì cách đây vài hôm, một nhà báo cũng hỏi tôi như vậy. Và tôi có trả lời thế này.
Thứ nhất là sợ Cảnh sát đặc nhiệm berkut bắn tỉa! Vì chết mà không biết mình đã chết, thì sống cũng coi như(là) bỏ đi rồi!
Thứ hai là sợ tiếng gậy gõ vào khiên theo nhịp tăng dần(cũng của berkut). Trời - chẳng khác gì, sống mà không có mục đích/hoảng loạn vô cùng!
Thứ ba là sợ băng đông cứng, toàn dầu nhớt phủ lên trên. Chẳng khác gì đời bẫy người ở người, bẫy đời ở đời!
Cảm ơn anh!
Theo Motthegioi