|
Những người ủng hộ chính quyền mới của Ukraine (trái) đụng độ với những người ủng hộ muốn đi theo Nga ở Crimea hôm qua. Ảnh: AP |
Theo AP, khoảng 20.000 thuộc Tatars, một nhóm dân tộc Hồi giáo lâu đời ở nước cộng hòa tự trị Crimea, hôm qua xuống đường biểu thị sự ủng hộ với các lãnh đạo mới ở Kiev và đụng độ với những người ủng hộ chính sách thân Nga của chính phủ cũ.
Những cư dân thuộc Tatars hô vang "Ukraine! Ukraine!" và "Crimea không phải là Nga!".
"Chúng tôi đứng về Maidan, chúng tôi muốn gia nhập Liên minh châu Âu", Saitmemet Muratov, một doanh nhân trong đám đông nói và nhắc đến phong trào biểu tình tại Kiev.
Tatars, một nhóm dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ đã sinh sống ở Crimea từ thế kỷ 13, từng bị trục xuất đến Siberia và Trung Á vào năm 1944. Nhiều người đã thiệt mạng vì đói khát ở đó. Họ quay trở lại Crimea khi Liên Xô tan rã năm 1991 và hiện chiếm khoảng 12% trong tổng số hai triệu cư dân của Crimea.
Cách đó chỉ một vài mét, một đám đông khác lại hét lên "Nga! Nga!". "Chúng tôi từng là một phần của Nga. Chúng tôi muốn trở lại", Yulia, một người trong nhóm biểu tình nói.
Trong khi đó, Alexandre, một người biểu tình khác, chỉ trích các lãnh đạo mới ở Kiev là "phát xít". "Chúng tôi không muốn cuộc chiến đã xảy ra ở Kiev tái diễn trên mảnh đất của mình", anh nói.
Hai bên hò hét và lao vào tấn công nhau bằng đá, chai lọ, hơi cay và dùi cui, trong khi cảnh sát và lãnh đạo từ hai phe cố gắng ngăn cản đám đông hỗn loạn. Cuộc đụng độ chỉ dừng lại sau khi các nghị sĩ địa phương kêu gọi người dân trở về nhà.
Bộ Y tế Crimea, cơ quan từng thuộc về Nga cho đến năm 1954 nhưng sau đó được bàn giao lại cho Ukraine, cho hay ít nhất 20 người đã bị thương. Một cụ ông không rõ danh tính được tìm thấy tử vong tại hiện trường biểu tình ở thủ phủ Simferopol do đau tim. Các thủ lĩnh của Tatars cho biết một phụ nữ cũng bị giẫm đạp đến chết, nhưng chính quyền không xác nhận thông tin này.
|
Bản đồ Ukraine và nước cộng hòa tự trị Crimea. Đồ họa: CNN |
Trong khi đó, người đứng đầu quốc hội của Crimea bác bỏ yêu cầu thảo luận về việc chia tách khỏi phần còn lại của Ukraine và chỉ trích đây là một ý tưởng "khiêu khích".
"Câu hỏi về việc tách khỏi Ukraine sẽ không được đưa ra trước quốc hội Crimea", chủ tịch Volodymir Konstantinov nói trong một nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình.
Những lo ngại về xu hướng ly khai ở đông và nam Ukraine ngày càng lớn kể từ khi cựu tổng thống Viktor Yanukovych bị phế truất và bỏ trốn khỏi Kiev.
Lãnh đạo lâm thời của Ukraine Oleksandr Turchynov hôm 25/2 cảnh báo có "những dấu hiệu ly khai nguy hiểm" sau khi khoảng 10.000 người ủng hộ Nga chiếm quảng trường chính ở thành phố cảng Sevastopol của Crimea hồi cuối tuần trước.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định chủ trương của Nga là "không can thiệp" quân sự vào nước láng giềng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu Moscow hãy giữ lời, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Ukraine và cảnh báo về những hành động khiêu khích sau khi Moscow tăng cường các biện pháp an ninh ở phía nam Crimea.
Theo Vnexpress