Kênh truyền hình của quốc hội cũng cho chiếu cảnh lãnh đạo của Berkut (đội đặc nhiệm cảnh sát của Bộ Nội vụ) và công an nói họ đứng về phía những người biểu tình.
Theo phóng viên của BBC tiếng Nga, Yuri Maloveryan viết trên Twitter từ Kiev: "Đám đông tụ tập ở bên ngoài bệnh viện Kharkiv đợi bà Yulia Tymoshenko được thả."
Người biểu tình ở Ukraine đã xông vào được phủ Tổng thống ở Kiev, sau khi nơi này có vẻ đã bị cảnh sát bỏ mặc.
Phóng viên Kevin Bishop của BBC ở Kiev nói không thấy có bóng dáng cảnh sát và người biểu tình có lẽ đã nắm được kiểm soát.
Người phụ tá của Tổng thống Viktor Yanukovych nói ông không ở Kiev - trong khi phe đối lập yêu cầu ông phải từ nhiệm ngay lập tức.
Họ cũng kêu gọi tổ chức bầu cử sớm từ 25/05, không phải cuối tháng Mười Hai như thỏa thuận hòa bình hôm thứ Sáu đã đặt ra.
Mặc dù có khối châu Âu làm trung gian trong tiến trình thỏa thuận, hàng ngàn người vẫn trụ lại trên đường phố Kiev.
Trong cuộc họp quốc hội sáng hôm thứ Bảy 22/02, người phát ngôn Volodymyr Rybak đã xin từ chức với lý do sức khỏe yếu. Oleksandr Turchynov, một đồng minh thân cận của cựu Thủ tướng bị giam Yulia Tymoshenko, được cử lên không lâu sau đó.
Vitaly Klitschko, lãnh đạo đảng đối lập Udar, nói với các dân biểu: "Chúng tôi, như người dân đòi hỏi, tiếp nhận giải pháp kêu gọi ông Yanukovych từ chức ngay lập tức."
Trợ lý Tổng thống Hanna Herman nói ông Yanukovych đã đến vùng Kharkiv ở phía Đông, gần biên giới với Nga, và sẽ lên truyền hình phát biểu từ nơi này.
Một nhóm các đại biểu từ vùng Crimea ở Đông Nam - khu vực từng dựa vào Nga - sẽ họp ở đây, nhưng bà Herman nói Tổng thống "không có ý định" tham dự.
"Mặc dù một số người rất mong ông sẽ rời khỏi đất nước, ông vẫn không có ý định ra đi," bà nói.
'Ông ấy không ở đây'
Cuộc biểu tình nổ ra từ cuối tháng 11/2013 khi ông Yanukovych từ chối thỏa thuận thương mại quan trọng với khối Liên hiệp châu Âu để chọn lấy quan hệ thân cận hơn với Nga.
Hôm thứ Năm 20/02, cảnh sát đã xả súng vào những người biểu tình đang chiếm cứ quảng trường Độc lập ở trung tâm Kiev. Bộ Y tế nói ít nhất 77 người thiệt mạng - gồm cả cảnh sát và người biểu tình - trong vụ đụng độ kể từ hôm thứ Ba.
Tới nay là ngày thứ hai các đám tang người biểu tình thiệt mạng được tổ chức ở quảng trường.
Phóng viên của chúng tôi nói không có dấu hiệu của lực lượng an ninh bên trong phủ Tổng thống, vốn vẫn được canh gác dày đặc, mặc dù một số nhân viên chính phủ vẫn tới làm việc.
Người biểu tình đang đứng bên ngoài tòa nhà và tỏ ra không tin lắm, ông nói thêm.
"Ông ta [Tổng thống] không có ở đây, không một quan chức nào của ông ta, hay có liên quan trực tiếp tới chính quyền có mặt ở đây," Ostap Kryvdyk, một lãnh đạo biểu tình nói.
Người biểu tình nói họ bảo vệ tòa nhà khỏi bị trộm cắp và phá hoại.
Các phóng viên nói cảnh sát có vẻ đã bỏ các trạm trên khắp thành phố, trong khi đám đông tụ tập ở quảng trường Độc lập - hay còn gọi là khu Maidan - ngày càng đông lên.
Các thỏa thuận chính trị được Tổng thống Yanukovych ký hôm thứ Sáu với các lãnh đạo đảng đối lập sau khi các ngoại trưởng khối châu Âu làm trung gian.
'Thỏa hiệp có lợi'
Thỏa thuận vừa ký kết, được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Đức, bao gồm các điều khoản sau:
Tổng thống Vladimir Putin nói với ông Barack Obama trong một cuộc điện đàm hôm thứ Sáu rằng Nga muốn tham gia vào quá trình thực hiện, một phát ngôn viên chính phủ Hoa Kỳ nói.
Không lâu sau khi thỏa thuận được ký kết, Quốc hội Ukraine thông qua việc phục hồi Hiến pháp 2004, sẽ giảm bớt quyền hành của Tổng thống.
Chỉ có một trong số 387 nghị sỹ có mặt bầu phiếu chống, trong đó có khoảng hơn mười nghị sỹ từ đảng của ông Yanukovych.
Quốc hội cũng thông qua đạo luật ân xá cho những người biểu tình bị buộc tội liên quan tới bạo lực.
Các nghị sỹ bầu cho việc thay đổi luật có thể dẫn tới việc thả bà Yulia Tymoshenko, đối thủ của ông Yanukovych.
Bà Tymoshenko đã bị kết án bảy năm tù vào năm 2011 vì tội lạm quyền. Tuy nhiên những người ủng hộ bà nói đây đơn thuần là cách ông Yanukovych loại bỏ đối thủ chính trị của mình.
Theo BBC