Ngày 5/2, ông Yanukovych cũng thực hiện một loạt các thay đổi nhân sự trong Cơ quan An ninh nước này, bổ nhiệm giám đốc mới của Cục Phản gián, đồng thời thay người đứng đầu Cơ quan An ninh của bốn tỉnh có trụ sở chính quyền bị người biểu tình chiếm giữ.
Giải phóng trụ sở chính quyền tỉnh trước ngày 17/2 là một trong những điều kiện chính phủ đưa ra để luật ân xá cho người biểu tình có hiệu lực.
Ngày 5/2, Tổng công tố Ukraine Viktor Pshonka tuyên bố nếu đến thời hạn trên, người biểu tình không rút khỏi tất cả các trụ sở cơ quan công quyền mà họ chiếm giữ, thì các cơ quan hành pháp, điều tra viên, công tố viên, thẩm phán sẽ hành động theo đúng quyền hạn được quy định trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự Ukraine.
Theo thông tin ông Pshonka cung cấp, luật ân xá cho người biểu tình được áp dụng cho 259 người, trong đó hiện chỉ còn 70 người còn đang bị giam giữ trong tổng số 150 người bị bắt giữ.
Ban hành Luật ân xá là một trong những yêu sách của người biểu tình đã được Quốc hội và Tổng thống Ukraine đáp ứng. Hiện phe đối lập và chính quyền vẫn còn bất đồng sâu sắc xung quanh bản Hiến pháp hiện hành. Phe đối lập muốn quay trở lại Hiến pháp năm 2004, quy định chế độ nghị viện-tổng thống, trong khi chính quyền muốn đưa sửa đổi vào Hiến pháp hiện hành, quy định chế độ tổng thống-nghị viện với quyền hạn tối đa cho tổng thống.
Do bất đồng này mà cho đến nay, qua hai ngày họp toàn thể đầu tiên, Quốc hội Ukraine khóa bảy vẫn chưa thống nhất được chương trình nghị sự và lịch làm việc cho kỳ họp thứ tư. Chủ tịch khối nghị sỹ trong Quốc hội của đảng Các khu vực cầm quyền Aleksander Efremov đã cảnh báo nguy cơ Quốc hội sẽ phải giải tán nếu không bắt đầu làm việc./.
Theo Vietnamplus