Trong khi đó, thủ lĩnh khối đảng "Batkivshina" đối lập Arseniy Yatsenyuk đã từ chối cương vị thủ tướng mà Tổng thống Yanukovych đề xuất trao cho phe đối lập trước đó. Thông tin này đã được Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Elena Lukash thông báo.
Ngoài ra, Tổng thống Yanukovych cũng đã đồng ý sửa đổi hiến pháp, đồng thời bày tỏ sẵn sàng thành lập nhóm công tác cho việc chuyển sang thể chế cộng hòa tổng thống-nghị viện.
Người đứng đầu ngành tư pháp còn cho biết ân xá có hiệu lực chỉ trong trường hợp những người biểu tình giải phóng tất cả các cơ sở và tuyến đường mà họ đang chiếm, nếu không hành vi vi phạm pháp luật này vẫn sẽ bị trừng phạt.
Các quyết định chính trị cũng đã được đưa ra để thay đổi các luật do Quốc hội thông qua ngày 16/1, vốn gây ra nhiều tranh cãi dẫn tới các cuộc biểu tình rầm rộ trong thời gian qua. Theo bà Lukash, những dự luật không gây tranh cãi sẽ được Quốc hội một lần nữa thông qua ngày 28/1. Trong khi đó, những điều khoản luật không có hiệu lực sẽ được các bên cùng xử lý.
Các luật được Quốc hội Ukraine thông qua ngày 16/1 đã gây nên làn sóng phản đối trên toàn nước này. Hiện cuộc đối đầu giữa người biểu tình và cảnh sát ở trung tâm thủ đô Kiev vẫn tiếp diễn.
Trong ngày 26/1, những người biểu tình đã sử dụng chiêu thức phong tỏa và tấn công các trụ sở chính quyền tại một số thành phố lớn của Ukraine, chiếm giữ trụ sở chính quyền của 12 tỉnh và phong tỏa 4 trụ sở tỉnh khác trong tổng số 27 tỉnh thành trên cả nước./.
Theo Vietnamplus