|
Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych (trái) và Chủ tịch Ủy ban liên minh châu Âu Herman Van Rompuy |
Chắc chắn đã nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao vào đúng phút chót, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych quyết định rút lui khỏi việc ký một hiệp định liên kết với EU? Vì sợ mất lòng đối tác truyền thống là Nga? Không, quyết định này mang về cho đất nước Ukraine những thuận lợi vô cùng quan trọng.
Theo một số nhà quan sát, động cơ thực của ông Yanukovych trong những cuộc thương thuyết với châu Âu chính là cuộc “mặc cả” về cái giá mà Nga phải trả để giữ Ukraine nằm lại trong quỹ đạo chiến lược của mình. Và mọi sự đã đi theo đúng tính toán của ông Tổng thống. Chỉ vài ngày sau quyết định rút lui trên, ông Yanukovych và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về việc Moskva mua số trái phiếu chính phủ Ukraine trị giá 15 tỷ USD, giảm giá khí đốt và nhiều thỏa thuận thương mại quan trọng khác.
Từ quan điểm của ông Yanukovych, thỏa thuận trên có ý nghĩa trước mắt là việc giảm giá khí đốt có thể giúp Ukraine vượt qua mùa Đông, khoản mua trái phiếu giúp chính phủ nước này khỏi vỡ nợ và giữ cho thị trường Nga – nơi nền kinh tế Ukraine vẫn đang phải phụ thuộc – vẫn mở cửa.
Nhưng điều quan trọng là ông Yanukovych đã tính đúng: Những việc này, ngoại trừ Nga, còn EU không thể giúp họ. Trong tính toán của ông Tổng thống Ukraine, với sự sụp đổ của Liên Xô, Nga không chỉ mất vị thế cường quốc thế giới mà trong châu Âu, họ bị buộc phải rút lui về đường biên giới trước khi được mở rộng về phía Tây dưới thời Peter Đại đế. Sau khi ông Putin lên làm Tổng thống Nga, ông đã theo đuổi 3 mục tiêu chiến lược: Chấm dứt sự lùi bước chiến lược của Nga trước phương Tây; Tái lập lại ảnh hưởng đối với hầu hết các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, ít nhất là có thể kiểm soát các nước này để ngăn việc NATO mở rộng về phía Đông và dần khôi phục vị thế cường quốc hàng đầu của Nga.
Những mục tiêu này chỉ có thể được thực thi nhờ tiềm năng kinh tế của Nga, nhất là một chính sách năng lượng chiến lược, được hỗ trợ bởi các trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn. Điều này đòi hỏi sự kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên, thiết lập cá tuyến đường xuất khẩu mới sang châu Âu với mục tiêu là giành lại quyền kiểm soát của Nga đối với mạng lưới đường ống của Ukraine, thông qua thuyết phục nước này tham gia liên minh Á – Âu nhằm giữ các nước cộng hòa cũ nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga.
Ngoài việc sử dụng các đường ống Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Nam để tách Ukraine khỏi việc xuất khẩu năng lượng sang châu Âu, Kremlin đã thành công trong việc ngăn châu Âu tiếp cận với khu vực biển Caspi và Trung Á giàu tiềm năng dầu khí. Hầu như cách duy nhất để các nước Trung Á có thể xuất khẩu dầu khí sang phương Tây và thông qua mạng lưới đường ống của Nga.
|
Sau khi cự tuyệt EU, Tổng thống Ukraine đã quay sang bắt tay rất chặt với Tổng thống Nga Putin. |
EU đã đặt cược quá cao cho sáng kiến Ukraine. Với việc ông Yanukovych từ chối thỏa thuận gia nhập, EU đã thua đau đớn. Theo phân tích, chính các nhà lãnh đạo châu Âu phải chịu trách nhiệm vì họ đã lơ là những lợi ích chiến lược của mình.
Theo tin từ Moskva, từ ngày 1/1/2014, Ukraine đã giảm giá khí đốt tự nhiên cho các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước và địa phương. Đây là thành quả nhờ vào việc giá nhập khẩu khí đốt từ Nga đã giảm từ mức 400 USD/m3 xuống còn 268,5 USD/m3. Phó Thủ tướng Ukraine Yuriy Boyko đã nhấn mạnh, việc giảm giá khí đốt phụ vụ sản xuất là nhằm làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng nhu cầu và giảm giá hàng hóa. Ông Boyko khẳng định, điều này có lợi cho cả tiêu dùng và thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Việc hạ giá khí đốt sẽ cho phép chính phủ tiết kiệm gần 3 tỷ USD trong năm 2014.
Theo Infonet