Hôm nay, 12/12/2013, hơn một ngàn người tập trung tại quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev. Họ lập lại các hàng rào, cố thủ tại đây để tiếp tục phong trào chống chính phủ. Từ tối thứ Ba, 10/12, cảnh sát chống bạo động đã tìm cách giải tán người biểu tình, trong lúc các đại diện của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu có mặt ở Kiev nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Các vụ tấn công của cảnh sát đã vấp phải sự kháng cự của hàng ngàn người biểu tình và sau vài giờ, cảnh sát chống bạo động đã phải rút lui.
Sau những sự kiện này, chính quyền Mỹ đã đứng hẳn về phía phe đối lập Ukraina. Tối hôm qua, Washington thông báo đang suy tính tới các biện pháp trừng phạt nhắm vào chính quyền Kiev.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Jennifer Psaki, được AFP trích dẫn, tuyên bố : « Tôi sẽ không đi vào chi tiết, nhưng chúng tôi đang dự tính một số quyết định chính trị, trong đó có các trừng phạt ».
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel lưu ý đồng nhiệm Ukraina Pavlo Lebedev là Washington chống lại việc huy động binh lính chống lại những người biểu tình.
Đêm hôm qua, số người biểu tình hiện diện tại quảng trưởng Độc Lập ở Kiev còn đông hơn các đêm trước.
Tính đến hôm nay, các cuộc biểu tình của phe đối lập mong muốn xích lại gần Châu Âu bước sang tuần lễ thứ tư. Một trong những yêu sách của người biểu tình là đòi Tổng thống Viktor Yanukovich từ chức, sau khi nguyên thủ Ukraina từ chối ký hiệp định liên kết với Liên Hiệp Châu Âu, trước áp lực của Nga.
Phe đối lập cố gắng duy trì áp lực cho đến ngày 17/12, thời điểm Tổng thống Viktor Yanukovich công du Nga và gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. Họ lo ngại là vào thời điểm đó, ông Yanukovich sẽ ký hiệp định tham gia liên minh thuế quan do Nga lập ra. Hiệp định này bao gồm một số nước cộng hòa trong Liên Xô cũ.
Mặc dù chính quyền Kiev cải chính thông tin này, nhưng Phó Thủ tuớng Nga Igor Chouvalov, ngày hôm nay, tuyên bố là Kiev tỏ quyết tâm hợp tác chặt chẽ với Matxcơva.
Trả lời đài truyền hình Rossia 24, ông Chouvalov nói : « Ukraina sẽ quyết định lựa chọn quy chế nào phù hợp với họ nhất : Hoặc là đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu về một khu vực tự do mậu dịch hoặc là phát triển các quan hệ kinh tế chặt chẽ với nước Nga. Trong những tuần qua, phía Ukraina đã đề nghị với Nga một sự hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực công nghiệp ».
Ukraina hiện trong tình trạng suy thoái kinh tế, bên bờ vực phá sản kiệt. Chính quyền Kiev rất hy vọng là Matxcơva sẽ giảm giá bán khí đốt và cung cấp hàng tỷ đô la tín dụng.
Theo RFI