Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Dấu hiệu mới chính quyền Ukraine đang nhượng bộ miền Đông

Thứ bảy, 01/08/2015 | 05:34
 Ngày 31/7, Tòa án hiến pháp Ukraine cho phép Quốc hội nước này bỏ phiếu về những sửa đổi hiến pháp trong việc trao quyền tự trị cho miền Đông.

Dự thảo sửa đổi hiến pháp được Tổng thống Petro Poroshenko đệ trình, trong đó nhắc tới việc trao cho các khu vực đòi độc lập ở miền Đông Ukraine quyền tự quản tạm thời trong vòng ba năm.

Đây là một phần trong thỏa thuận ngừng bắn Minsk mà các bên xung đột tại Ukraine đạt được hồi tháng 2 vừa qua tại Belarus.

Dấu hiệu mới chính quyền Ukraine đang nhượng bộ miền Đông
Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko, phát biểu trước quốc hội về dự luật trao quyền tự trị cho hai vùng ở miền đông nước này


Tổng thống Poroshenko cho rằng quyết định trên của Tòa án hiến pháp Ukraine là một bước ngoặt quan trọng đối với quốc gia này.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Vladimir Groisman cho biết sau khi Tòa án hiến pháp đưa ra quyết định trên, Quốc hội sẽ bắt đầu thảo luận dự luật này và cần tiến hành hai cuộc bỏ phiếu nữa.

Dự kiến, các cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào cuối tháng Tám và đầu tháng Chín tới.

Thỏa thuận hòa bình Minsk được ký giữa chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông, quy định cần sửa đổi Hiến pháp Ukraine vào cuối năm 2015.

Cải cách này liên quan tới việc phân quyền, có tính đến các khu vực nhất định thuộc 2 tỉnh Donetsk và Lugansk, với sự đồng ý của đại diện các khu vực này, cũng như thông qua luật về quy chế đặc biệt cho các khu vực đó.

Động thái trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự nhượng bộ của chính quyền Tổng thống Poroshenko đối với miền Đông đồng thời khẳng định Ukraine không còn con đường nào khác ngoài việc phải tuân thủ thoả thuận Minsk 2.

Trước đó, ngày 21/7, trung tâm báo chí của chiến dịch quân sự do Chính phủ Ukraine phát động thông báo nước này đã rút vũ khí khỏi đường giới tuyến với phe ly khai ở Donbass theo các thỏa thuận Minsk.

Người phát ngôn Yuzeph Venskovich của trung tâm trên xác nhận: "Các vũ khí đã được rút (khỏi giới tuyến) và giữ một khoảng cách cần thiết tại Donbass theo các thỏa thuận Minsk. Tuy nhiên, các vụ nã pháo vẫn gia tăng, bất chấp việc các đơn vị vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng được cho là đã rút khỏi đường giới tuyến với quân chính phủ".

Hôm 18/7, DPR và LPR thông báo đã bắt đầu rút các xe tăng và xe bọc thép cỡ nòng dưới 100 mm ra xa khỏi đường giới tuyến ít nhất 3 km.

Các vũ khí của DPR hiện chỉ được bố trí tại phía Bắc Donetsk và Debaltsevo - 2 khu vực căng thẳng nhất tại đường giới tuyến, trong khi LPR cũng đang rút vũ khí dọc đường giới tuyến này, trừ khu vực gần khu định cư Schastye.

Theo thoả thuận Minsk, các bên cam kết “rút các vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực đường giới tuyến, hoàn tất việc thực thi lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho sứ mệnh quan sát viên đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Song song với những động thái tích cực từ phía chính quyền Tổng thống Poroshenko, nền kinh tế Ukraine cũng đang có thêm nhiều hy vọng. Theo đó, quốc gia này có thể nhận được khoản hỗ trợ quốc tế trị giá hơn 3,2 tỷ USD cho đến cuối năm nay, trong đó Kiev có thể vay 1 tỷ USD trong tháng 11/2015 thông qua một đợt bán trái phiếu mới được Mỹ bảo lãnh.

Bên cạnh đó, Ukraine cũng dự kiến nhận được hai khoản vay gồm 500 triệu USD/lần từ Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 8/2015 và tháng 9/2015, và 600 triệu euro từ Ủy ban châu Âu (EC).

Hồi tháng 3/2015, IMF cũng đã chấp thuận chương trình cứu trợ trị giá 17,5 tỷ USD để giúp Kiev tiến hành cải cách. Cho tới nay, Ukraine đã nhận được 5 tỷ USD từ IMF. Quốc gia chìm trong nợ nần này đang tiếp tục đàm phán với các chủ nợ về việc tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài lên tới 23 tỷ USD.

Minh Thái (Tổng hợp)/baodatviet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN