Rõ ràng bức tranh địa chính trị Ukraine đang rất tương phản sau quyết định ngày 21-11 của Chính phủ Ukraine tạm đình chỉ những cuộc thương lượng về Hiệp ước gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Bức tranh này cũng cho thấy cơn đau đầu sẽ còn kéo dài cho chính quyền Kiev.
Nói còn kéo dài là bởi như Tổng thống Nga V. Putin cho biết trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Saint Petersburg hôm 22-11: “Khi chúng tôi nghe tin Ukraine tạm đình chỉ - đình chỉ chứ không phải bãi bỏ (ông Putin nhấn mạnh) - các thương lượng với EU..., chúng tôi đã nghe các đe dọa của phương Tây, (họ dọa) tới cả việc tổ chức biểu tình hàng loạt”.
Và đúng vậy, cuối tuần trước biểu tình đã nổ ra. Tại Kiev, khẩu hiệu “euromaidan” giờ trở thành lời hiệu triệu chống lại quyết định hướng Đông của chính quyền Ukraine. Như thời Cách mạng cam 2004, những người biểu tình dựng lều qua đêm tại quảng trường trung tâm, tuyên bố sẽ chống đối vô thời hạn cho tới khi nào Kiev nối lại thương lượng để ký Hiệp ước gia nhập EU mới thôi.
Bước đi chiến thuật
Trong không khí sôi sục này, Thủ tướng Ukraine Nikolai Azarov đã nhiều lần đăng đàn giải thích hành động của chính phủ. Hãng tin Ukraine UNIANE cho biết tại cuộc điều trần hôm 22-11 trong Quốc hội Kiev, Thủ tướng Azarov nhấn mạnh: “Đây chỉ là bước đi chiến thuật, xuất phát từ điều kiện kinh tế hiện nay của Ukraine. Còn về lâu dài, chính phủ và Tổng thống V. Yanukovich vẫn sẽ tiếp tục đường lối cải cách để hội nhập với châu Âu”.
Ông Azarov nói quyết định của Chính phủ Ukraine không phải là đột nhiên. Nó xuất phát từ “một giọt nước tràn ly” - đó là lá thư của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đặt những điều kiện khá ngặt nghèo để tài trợ cho Ukraine: Kiev phải tăng thuế khí đốt và sưởi tới 40%, phải đóng băng lương cơ bản và lương tối thiểu ở mức như hiện nay, cắt giảm đáng kể chi tiêu chính phủ, giảm trợ cấp trong lĩnh vực năng lượng...
Theo tờ Kommersant, Ukraine đã yêu cầu IMF tài trợ 15 tỉ USD để bù đắp thiệt hại do mất thị trường Nga khi nước này ký hiệp ước gia nhập EU. Giữa Nga và Ukraine đang có hiệp ước khu vực mậu dịch tự do, theo đó, nhiều nhóm sản phẩm quan trọng giữa hai nước đang có thuế xuất nhập khẩu bằng 0. Một khi Ukraine ký hiệp ước với EU chắc chắn sẽ tác động tới Nga nếu Nga vẫn duy trì khu vực mậu dịch tự do này.
Ông V. Putin giải thích: “Hàng hóa từ thị trường EU “tái nhập” vào Nga qua ngả Ukraine có thể giết chết nhiều khu vực kinh tế của Nga”. Vì vậy, Nga sẽ phải thay đổi các điều khoản kinh tế với Ukraine, áp đặt thuế suất với nhiều mặt hàng của Ukraine.
Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Azarov đã đề nghị lập một ủy ban ba bên gồm Ukraine - Nga và EU để cùng thương lượng. Tuy nhiên, trong khi Nga đồng ý tham gia ủy ban thì EU từ chối. Không chỉ thế, yêu cầu của Ukraine đòi EU đền bù các tổn thất đã được IMF đáp ứng bằng lá thư “phũ phàng” nói trên. Vì vậy, chính quyền Kiev buộc phải tạm nói không.
Giữa hai dòng nước
Nằm giữa Nga và phương Tây, miền đất giàu tài nguyên Ukraine có một nền kinh tế quy mô lớn với 45 triệu dân, GDP hằng năm đạt 176 tỉ USD, khiến cả Nga lẫn EU đều muốn hợp tác. Hiện Ukraine là thị trường lớn nhất của EU về hàng dân dụng. Hằng năm, Ukraine xuất sang Nga tổng cộng 16 tỉ USD hàng hóa, trong khi sang toàn khối EU khoảng 17 tỉ USD.
Chính vị thế địa chính trị và quy mô nền kinh tế khiến Ukraine chịu sức ép rất lớn từ hai phía EU lẫn Nga. Nga từng nhắc Ukraine rằng một bước nữa về phía liên kết với EU cũng đồng nghĩa với “tự sát thương mại”: Ukraine sẽ đánh mất thị trường chủ chốt là Nga, vốn đang nhập tới 25% hàng xuất khẩu của Ukraine.
Ukraine cũng sẽ mất 10 tỉ USD do không được giảm giá khí đốt. Đó là chưa kể triển vọng quan hệ giữa hai công ty khí đốt nhà nước Ukraine Naftogaz và Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom sẽ càng khó khăn hơn. Hai tập đoàn này thường lục đục vì chuyện giá cả và gần đây nhất là cuộc tranh cãi khi Gazprom đòi Naftogaz trả ngay hóa đơn đã quá hạn 1 tỉ USD. Hai nước từng có hai cuộc “chiến tranh khí đốt” vào những năm 2006 và 2009.
Nhưng ngược lại, “củ cà rốt” của phía EU có vẻ còn nặng ký hơn: nếu gia nhập EU, Ukraine sẽ tiết kiệm cho các nhà xuất khẩu của mình tới 490 triệu USD trong 10 năm, bởi 95% hàng hóa sẽ được miễn thuế bằng 0. EU cũng có kế hoạch cung cấp khí đốt thiên nhiên cho Ukraine, cũng như các thỏa thuận cho vay tiền của IMF. Công dân Ukraine sẽ được tự do đi lại, làm việc trong khối EU...
Nhưng EU vẫn đâu đó quá xa, trong khi những thiệt thòi mà Ukraine đang chịu đựng thì lại thiết thân. Giữa tháng 8-2013, 1.000 ôtô xuất khẩu của Ukraine đã phải xếp hàng chờ ở biên giới Nga do các “thủ tục kiểm tra”.
Hồi tháng 8, “chiến tranh sôcôla” cũng nổ ra sau khi Belarus theo chân Nga cấm nhập kẹo sôcôla nhãn Roshen của Ukraine vì hydrocarbon benzopyrene, một chất có hại mà Nga phát hiện trong sôcôla Roshen. Roshen có thể mất 200 triệu USD vì “cuộc chiến sôcôla” này...
Trong khi đó, nền kinh tế khủng hoảng Ukraine không cho nước này một ưu thế đàm phán nào. Moody đã hạ xếp hạng Ukraine từ B3 của tháng 8-2013 xuống còn Caa1, tức “có nguy cơ vỡ nợ rất cao”. Dự trữ Chính phủ Ukraine còn ít đến nỗi nước này khó lòng duy trì công ty khí đốt nhà nước Naftogaz và có thể bị buộc phải bán cho một công ty nước ngoài. Nợ nước ngoài của Ukraine đã lên tới 5 tỉ USD vào tháng 8 năm nay.
Bài học Bulgaria: khi cái tủ lạnh rỗng thắng cái tivi
Phân tích quyết định “gây sốc cho châu Âu” của Ukraine, giám đốc Trung tâm Carnegie ở Matxcơva Dmitry Trenin cho rằng bài tính của Ukraine là nếu ký thỏa thuận với EU, Ukraine sẽ có lợi ích thương mại về dài hạn, nhưng sẽ phải nhận những hậu quả từ ngắn tới trung hạn liên quan tới những phản ứng của Nga. Cuộc đối đầu này sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới quyền lực của Tổng thống V. Yanukovich, người sẽ đối mặt với tổng tuyển cử sau 15 tháng nữa. Ông Eric Kraus, giám đốc điều hành Công ty phân tích tài chính Anyatta Capital, cho biết trong khi Ukraine đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ từ sau 2-6 tháng nữa và đang đối phó với thâm thủng ngân sách thì EU “đưa rất nhiều đề nghị nhưng không đưa cái mà Ukraine đang túng thiếu nhất: tiền”. Trong điều kiện này, Nga lại chứng tỏ họ “có phương tiện và sự sẵn sàng”.
Là người đi sau, Ukraine có điều kiện tham khảo kinh nghiệm các nước Đông Âu vừa gia nhập EU. Trong số này, Ba Lan vào EU năm 2004, Romania và Bulgaria trở thành thành viên năm 2007.
Trong những ngày tháng 9-2013, trên mạng xã hội Ukraine lan truyền bài viết “Bulgaria đang chết ra sao trong vòng tay EU” (2), kể về tình hình nước này sau khi là thành viên của EU. Xin trích một vài nội dung chính của bài viết:
“Vâng, chúng tôi vào EU nhưng EU thì không đến với chúng tôi. Chúng tôi vẫn có chính quyền tham nhũng như thế, cũng với những quan chức hư hỏng như thế, bên cạnh vô số luật lệ, tiêu chuẩn của EU. Vâng, họ (EU) cũng có cho chúng tôi những món nhỏ nào đó cho phát triển, nhưng tiền đó đi đâu không ai biết. Tất cả chui vào túi quan chức, và nếu được đầu tư đi đâu đó thì chỉ với những dự án “của họ, cho họ”...
Mùa đông vừa qua, khi nhận được hóa đơn tiền điện, nhiều người về hưu Bulgaria đã phải xuống đường vì tiền điện đắt gấp đôi lương hưu và nếu trả hóa đơn đó, họ phải nhịn đói suốt tháng. Một chính khách địa phương mai mỉa: “Cái tủ lạnh rỗng đã thắng cái tivi, không thể nuôi người dân no bụng bằng những lời hoa mỹ về giá trị dân chủ châu Âu”. Trong 20 năm qua, đã có 2 triệu người rời bỏ đất nước. Dự báo đến năm 2060, Bulgaria chỉ còn 5 triệu dân, trong đó 1,5 triệu là người di gan”.
Người Bulgaria nổi tiếng hóm hỉnh đã cay đắng tự trào như thế này trong bài viết trên: “Bulgaria năm 2000 giống như một bà góa vui vẻ sau cái chết của ông chồng giàu sụ: bà ta bán hết nhà cửa, đất đai, tài sản của ông chồng và sống năm năm tiếp đó thật huy hoàng. Nhưng rồi bà góa vô tâm này khánh kiệt và đang phải đi xin từng đồng để đắp đổi qua ngày. Năm 2013, Bulgaria mất 60% việc làm, dân số từ 9 triệu (năm 1989) hiện chỉ còn 7 triệu và đang tăng trưởng âm... Đất nước sản xuất cà chua lớn nhất thế giới giờ không còn sản xuất cà chua nữa”.
Và người Bulgaria phải tự cứu mình. Bằng cách nào? Tháo chạy khỏi đất nước! Chuyện tiếu lâm phổ biến ở Bulgaria những ngày này: “Lối thoát khẩn khỏi khủng hoảng Bulgaria: cổng số 1 và cổng số 2 ở sân bay”. Những người trẻ, giỏi, tài năng đang chạy khỏi đây, bỏ lại những ông già bà cả chết ở làng quê... EU cho chúng tôi những gì: được miễn visa để đến đó lao động phổ thông!”...
Dĩ nhiên Ukraine không phải là Bulgaria. Và chính quyền Ukraine đang cân nhắc, vì đây cũng chỉ là một “bước đi chiến thuật”. EU thì nói cơ hội vẫn còn đó, như ủy viên đặc trách chính sách mở rộng EU Stefan Fule khẳng định: “Cửa vẫn mở và chúng tôi đâu có từ chối việc người Ukraine biến ước mơ châu Âu của mình thành hiện thực”.
“Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh - không có con đường đối trọng ở Ukraine trong việc xây dựng một xã hội chuẩn mực châu Âu. Chính sách của tôi trên con đường này luôn trước sau như một... Không ai đánh cắp ước mơ về một Ukraine châu Âu... Nhưng như một người cha, tôi không thể để gia đình mình không có bánh mì, cũng như tôi không có quyền bỏ mặc người dân cho sự đẩy đưa của số phận, nếu dưới những áp lực mà chúng ta đang cảm nhận, việc sản xuất bị đình đốn và hàng triệu người dân bị ném ra đường phố”.
(Trích diễn văn của Tổng thống Ukraine V. Yanukovich trên truyền hình hôm 25-11. Nguồn: www.president.gov.ua/ru/news/29566.html)
Duy Văn - tuoitre.vn