Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Ngừng Hiệp định liên kết với EU - lối đi nào cho Ukraine?

Thứ hai, 02/12/2013 | 00:40
Hội nghị thượng đỉnh các nước "Đối tác phương Đông," diễn ra tại Vilnius (Litva) trong hai ngày 28-29/11 có thể ghi dấu ấn nếu như ngày 21/11 vừa qua Chính phủ Ukraine không ký sắc lệnh hoãn các hoạt động chuẩn bị cho việc ký một thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử về thương mại, chính trị với Liên minh châu Âu (EU).

Ngừng Hiệp định liên kết với EU - lối đi nào cho Ukraine?

Quyết định đó ít nhiều gây sóng gió trên chính trường, song Chính phủ Ukraine vẫn để ngỏ khả năng liên kết với EU trong tương lai gần.

"Ngả" về hướng Nga

Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov cho biết quyết định của Ukraine ngừng kế hoạch ký Hiệp định liên kết với EU chủ yếu xuất phát từ tình hình kinh tế hiện nay trong nước, chứ không thể hiện bất cứ thay đổi nào trong chiến lược hội nhập EU của Kiev. Chính phủ Ukraine rất khó khăn để đưa ra quyết định này, song đó là khả năng duy nhất có thể trong tình hình kinh tế hiện nay.

Phó Thủ tướng Yuri Boiko giải thích thêm Kiev dừng kế hoạch liên kết với EU để có thêm thời gian đánh giá thiệt hại từ việc mất thị trường Nga và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) trong trường hợp Ukraine liên kết với EU cũng như suy giảm sản xuất công nghiệp mà Kiev muốn được bù đắp bằng thị trường châu Âu. Thay cho hiệp định liên kết, Chính phủ Ukraine đề xuất đàm phán thành lập liên kết ba bên gồm EU-Ukraine-Nga, song EU đã từ chối và khẳng định đề nghị liên kết song phương của EU vẫn giữ nguyên hiệu lực.

Đối mặt với các cuộc biểu tình trên đường phố, ngày 25/11 vừa qua, Tổng thống Viktor Yanukovich đã lên tiếng trên truyền hình rằng việc chính phủ không ký kết Hiệp định trên là một quyết định rất khó khăn, nhưng tất yếu bởi những quy định khắt khe của EU đối với nền kinh tế yếu ớt của Ukraine.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho biết Nga đánh giá cao quyết định của Kiev và hoan nghênh Ukraine mong muốn hoàn thiện và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại với Moskva.

Ông Peskov tuyên bố những cáo buộc của EU rằng Moskva đã gây sức ép để Ukraine ngừng mọi công tác chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định liên kết với châu Âu là hoàn toàn vô căn cứ.

Hãng tin Interfax dẫn lời ông Peskov nêu rõ Nga luôn tôn trọng mọi sự lựa chọn của Ukraine vì đó là vấn đề nội bộ của nước này và vì thế "thật không thỏa đáng khi nói về bất kỳ kiểu sức ép nào" khiến Kiev trì hoãn ký hiệp định liên kết với EU.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự "đổi hướng" của Kiev là do việc "ngả" về quỹ đạo của Nga có lợi nhiều hơn.

Thực tế cho thấy đất nước Ukraine một thời từng là vựa lúa mỳ của châu Âu đang phải trải qua một trong những thời khắc khó khăn nhất ở lục địa già (không tính Hy Lạp). Nền kinh tế đã suy giảm 5 quý liên tiếp. Ngành công nghiệp, xương sống của nền kinh tế, sụt giảm mạnh. Thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai lên tới 5,5% GDP và mới đây đã bị các cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế đánh tụt hạng xuống loại có nguy cơ cao.

Khó khăn tài chính đã đẩy dự trữ vàng và ngoại tệ mạnh xuống mức chỉ còn đủ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu trong vòng chưa tới 3 tháng - mức báo động đỏ đối với hầu hết các nhà kinh tế.

Chính phủ Nga đã nhiều lần tuyên bố trong trường hợp Kiev ký hiệp định liên kết với EU, Moskva sẽ buộc phải đưa ra các biện pháp bảo hộ, qua đó sẽ đóng cửa thị trường Nga đối với hàng hóa của Ukraine.

Moskva lo ngại hàng hóa nhập khẩu giá rẻ của châu Âu sẽ tràn vào thị trường Nga qua Ukraine. Nếu chính quyền của Tổng thống Yanukovich vẫn “trung lập” thì Moskva hứa nhanh chóng thúc đẩy các dự án đầu tư hàng chục tỷ USD để cùng với Ukraine phát triển các lĩnh vực không gian, hàng không và hạt nhân. Theo trợ lý của Tổng thống Nga, ông Sergei Glazyev, trong trường hợp Ukraine ký thỏa thuận liên kết với EU, nước này có nguy cơ vỡ nợ vào năm 2014 do Nga ngừng cho vay. Hiện cán cân thanh toán của Ukraine chủ yếu dựa vào các khoản cho vay và đầu tư trực tiếp của Nga. Nếu các khoản này bị đình lại hay giảm mạnh, vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi. Hậu quả là chính phủ cũng phải thay đổi.

Ông Glazyev lưu ý rằng tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nga chiếm tới 50% và gấp 6 lần vốn đầu tư trực tiếp của Đức vào Ukraine. Ông cũng cho biết trong trường hợp Kiev ký thỏa thuận liên kết với EU, Nga sẽ không thực hiện kế hoạch giảm giá khí đốt bán cho Ukraine xuống mức giá hiện dành cho Belarus là 160 USD/1.000 m3.

Nếu Nga thực hiện kế hoạch này, mỗi năm Ukraine sẽ tiết kiệm được 5,5 tỷ USD tiền mua khí đốt. Lo ngại trước viễn cảnh Nga đóng cửa thị trường, Hiệp hội các doanh nhân Ukraine cũng đã chính thức yêu cầu Tổng thống Yanukovich hoãn lại một năm việc ký kết hiệp định liên kết với châu Âu.

Để ngỏ với EU

Hiệp ước liên kết Ukraine-EU, được khởi xướng vào tháng 3/2007 nhằm tạo khuôn khổ cho sự hợp tác giữa hai bên, là một phần trong sáng kiến Đối tác phương Đông của EU.

EU và Ukraine đã bàn thảo từ vài năm nay việc ký kết hiệp định liên kết và hiệp định tự do hóa thương mại. Để ký kết các hiệp định này, EU yêu cầu Ukraine phải tiến hành cải cách lĩnh vực thương mại nhằm thích ứng với điều kiện của thị trường châu Âu.

Quyết định gây bất ngờ của Chính phủ Ukraine là do không giải quyết được vấn đề đền bù những thiệt hại mà nền kinh tế nước này có thể phải hứng chịu do liên kết với EU. Tuy nhiên, trả lời trên truyền hình ngày 24/11 vừa qua, Thủ tướng Azarov cho biết khả năng thỏa thuận này được ký kết vào đầu năm 2014 tại Hội nghị thượng đỉnh Ukraine-EU tiếp theo vẫn còn để ngỏ.

Thủ tướng Azarov cho biết, Kiev đã hy vọng được EU đền bù cho những thiệt hại kinh tế do việc thu hẹp xuất khẩu sang Nga và các nước Liên minh Hải quan đem lại (trong trường hợp Ukraine liên kết với EU). Kiev muốn EU hỗ trợ nước này đàm phán để được nhận khoản vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, thái độ chần chừ của EU trong việc đưa ra đảm bảo đền bù đã khiến cho những điều kiện mà Ukraine nhận được khi liên kết với EU không vượt trội so với điều kiện mà nước này được hưởng nếu gia nhập Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan. Không những thế, đáp lại đề nghị được nhận khoản vay của Kiev để tiến hành cải cách, IMF đã đưa ra những điều kiện mà ông Azarov đánh giá là "không thể chấp nhận được."

Bên cạnh đó, ông Azarov khẳng định Ukraine đã nhượng bộ khá nhiều khi soạn thảo văn bản hiệp định liên kết với EU, ví dụ như EU áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa Ukraine cũng như không nêu triển vọng trở thành thành viên EU trong hiệp định. Điều này thể hiện nguyện vọng hội nhập châu Âu của đất nước, song Chính phủ Ukraine không thể bỏ qua các lợi ích quốc gia.

Quyết định của Ukraine đã khiến giới chức châu Âu vô cùng hụt hẫng. Bà Catherine Ashton, Đại diện châu Âu phụ trách chính sách đối ngoại, đã bày tỏ sự thất vọng khi nói rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng tương lai của Ukraine nằm trong mối quan hệ khăng khít với EU và chúng tôi vẫn quyết tâm đứng bên cạnh người dân Ukraine, đối tượng chính được hưởng lợi từ thỏa thuận nhờ việc tăng cường tự do và thịnh vượng mà nó mang lại.”

Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt viết trên trang mạng xã hội Twitter rằng trong bối cảnh nền kinh tế Ukraine đang đi xuống, việc rời bỏ EU để quay sang với Nga sẽ khiến nước này khó nhận được sự trợ giúp của bên ngoài, đồng thời làm mất đi triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ukraine.

Tuy vậy, ngày 25/11 vừa qua, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho rằng thỏa thuận với Ukraine "vẫn được để ngỏ" trên bàn đàm phán.

Tuyên bố chung của ông Van Rompuy và ông Barroso nêu rõ: "Ukraine được tự do quyết định hình thức quan hệ với EU." Điều này cho thấy sự "kiên định" của EU trong chính sách hướng Đông, mà EU cho rằng có lợi cho tất cả các bên, trong đó có cả Nga.

Trong một động thái được coi "xoa dịu" ngày 26/11 vừa qua, Tổng thống Yanukovich cho biết nước này vẫn sẽ ký thỏa thuận hội nhập với EU, song lễ ký kết sẽ diễn ra vào thời điểm hội đủ các điều kiện kinh tế cần thiết.

Trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình hàng đầu Ukraine, ông Yanukovych khẳng định: "Chúng ta sẽ làm tất cả để Ukraine mạnh hơn về kinh tế. Ngay khi chúng ta đạt tới mức thích hợp, chúng ta sẽ ký thỏa thuận với EU. Thời gian sẽ trả lời khi nào thời đi ểm đó diễn ra. Tôi mong muốn thời điểm đó sẽ sớm tới."

Nhưng dù sao đi nữa có lẽ vẫn phải chờ xem hệ quả của quyết định mà Kiev đưa ra tại một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc giữa một miền Nam và miền Đông rất "thân" Nga với một miền Tây độc lập hơn và luôn muốn xích lại gần châu Âu như nào.

Một cuộc thăm dò ý kiến được công bố ngày 20/11 cho thấy có tới 50% người dân Ukraine mong muốn đất nước ký một hiệp định với EU, trong khi số người ủng hộ việc hội nhập với Nga là 48%./.

Theo vietnamplus