Tuy nhiên, giấc mơ này “bỗng dưng” tan thành mây khói vào phút chót khi Ukraine quyết định hoãn ký hiệp định, vốn được đánh giá sẽ tạo ra bước ngoặt địa chính trị tại đất nước thuộc không gian hậu Xôviết này.
Thực ra, không phải quyết định trên đây của Kiev được đưa ra trong phút “bốc đồng,” mà trái lại có sự tính toán kỹ lưỡng. Nền kinh tế Ukraine đang lún sâu vào suy thoái, dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, ngân sách trống rỗng, các lĩnh vực kinh tế, sản xuất công, nông nghiệp sa sút nghiêm trọng, trong khi nợ công lại ngày càng phình to.
Do tình trạng kinh tế bê bết như thế, nên Ukraine đã “được” Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s xếp vào vị trí thứ 2 trong danh sách những quốc gia có khả năng vỡ nợ trên thế giới. Trong bối cảnh đó, nếu ký kết Hiệp định liên kết và thành lập khu vực thương mại tự do (FTA) với EU thì theo Tổng thống Ukraine, ông Viktor Yanukovich, nước ông cần có ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm từ nay cho đến năm 2017 để triển khai các tiêu chuẩn của châu Âu trong toàn bộ nền kinh tế.
Số tiền này lấy đâu ra khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Nga đều nhất quyết nói “không” với các khoản vay mới dành cho Ukraine. Các đối tác châu Âu sẽ giang tay ra cứu giúp? Điều này càng không có cơ sở thực tế bởi “lục địa già” cũng đang phải oằn mình chống chọi “căn bệnh” nợ công kéo dài trong nhiều năm qua bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng không được lòng dân. Thế nhưng, đây không phải là điều tệ hại nhất mà nền kinh tế Ukraine phải hứng chịu nếu kiên quyết đi theo con đường hội nhập châu Âu.
Moskva đã nhiều lần công khai tuyên bố sẽ “cấm cửa” tất cả hàng hóa Ukraine nếu Kiev kiên quyết thành lập FTA với EU, đồng thời bán khí đốt cho nước này với mức giá thị trường. Đây mới thực sự là cú “knock-out” đối với nền kinh tế ốm yếu của Ukraine đang run rẩy trước mùa Đông khắc nghiệt sắp đến gần.
Nếu không được xuất khẩu hàng hóa sang Nga và các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thì doanh nghiệp Ukraine sẽ đứng trước nguy cơ bị phá sản hàng loạt, do các mặt hàng của nước này sản xuất phần lớn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng của EU nên không dễ gì tiêu thụ được tại thị trường được coi là khó tính bậc nhất thế giới này. Trái lại, hàng hóa của các nhà sản xuất châu Âu sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine và “hất cẳng” các doanh nghiệp của nước này ra khỏi cuộc chơi.
Như vậy, quyết định của Kiev hoãn ký kiết Hiệp định liên kết châu Âu là bước đi có sự “cân đo, đong đếm” kỹ lượng và mang tính chiến thuật cao. Tuy nhiên, việc Ukraine từ chối “bữa tiệc rượu Champagne” tại Vilnius không đồng nghĩa với nước này sẽ nhanh chóng gia nhập Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan mà theo đánh giá của Tổng thống Nga Vladimir Putin thì mỗi năm có thể giúp Kiev tiết kiệm khoảng 8 tỷ USD và nhận được nhiều lợi ích khác.
Một yêu sách khác của Brusssels đòi Kiev thả cựu Thủ tướng Yulia Timoshenko ra khỏi nhà tù để được ký Hiệp định liên kết châu Âu, đã bị chính quyền Ukraine bác bỏ thẳng thừng do nó đi ngược lại pháp luật cũng như nguyện vọng của đa số người dân nước Đông Âu này.
Quyết định trên của Kiev phản ánh một thực tế rằng triển vọng liên kết giữa Ukraine với EU đang trở nên xa vời. Mùa Thu năm 2014 sẽ diễn ra bầu cử Nghị viện châu Âu khóa mới mà theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, những người chủ trương phản đối mở rộng EU sẽ chiếm đa số. Một năm sau đó, Ukraine cũng sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Những con người mới, sẽ có chính sách mới, trong đó có nhiều thay đổi, nên khả năng Ukraine và EU ký kết Hiệp định liên kết trong những năm tới khó có thể trở thành hiện thực.
Do vậy, “bữa tiệc không rượu Champagne” tại Vilnius không chỉ là hồi chuông báo động cho chương trình "Đối tác phương Đông" mà EU cùng Tổ chức "Hiệp ước Bắc Đại tây dương" (NATO) phát động và thúc tiến nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Nga tại khu vực không gian hậu Xôviết, một chương trình đang đứng trước nguy cơ phá sản, mà còn xác nhận chính sách đối ngoại của Nga đang phát huy hiệu quả trong không gian này./.
Theo Vietnam+