Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Ở Nga, ai bị tổn thương vì lệnh trừng phạt của phương Tây?

Thứ tư, 03/06/2015 | 01:17
Tờ DW của Đức vừa đăng tải câu chuyện của Fiona Clark, một phóng viên người Úc đang sống ở Moscow, cho thấy thực hư những tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đối với người dân Nga.

Fiona Clark cho hay, nhiều lần cô cười phá lên khi đang đi siêu thị bởi cô nhìn thấy quả việt quất đang được bán với giá 16 euro/ túi 125 gram. Chúng có thể đắt vì nhập khẩu từ Mỹ, nhưng nghiêm túc mà nói, sẽ rất hiếm người mua được với giá đó. Người nào mua chắc hẳn phải thuộc hạng giàu vì 16 euro tương đương với 10% lương tuần của một người dân bình thường ở Moscow.

Fiona biết các quả việt quất, hay dâu tươi không phải mặt hàng thiết yếu, nhưng ngay cả những mặt hàng chủ lực như sữa chua và 'Kasha' (một loại ngũ cốc mà người Nga thường xuyên dùng làm bữa sáng hoặc ăn thay khoai tây vào bữa tối) cũng đang có giá rất cao. Lạ thay, hai loại này đều được sản xuất trong nước nên không thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây hay việc đồng rup mất giá nhiêm trọng.

Ở Nga, ai bị tổn thương vì lệnh trừng phạt của phương Tây?
Một siêu thị ở St. Petersburg, Nga.

Nhìn chung, hầu hết các sản phẩm đều bị tăng giá khoảng 30% và một số mặt hàng nhập khẩu như pho mát cứng của Ý hay pho mát của Pháp, gần như đã hoàn toàn biến mất. Lần cuối cùng Fiona nhìn thấy pho mát cứng của Ý là vào tháng 1/2015.

Những du khách hay những người thường xuyên đi lại giữa Nga và các nước phương Tây đã dần có thói quen mang những mặt hàng “xa xỉ” từ châu Âu về Nga.

Tuy nhiên, theo Fiona, tình trạng trên lại có lợi cho nhiều nhà sản xuất thủ công Nga. Họ có nhiều cơ hội hơn trong việc đưa sản phẩm của họ tới những người có mức thu nhập bình thường. Các siêu thị hiện nay đang tràn ngập các sản phẩm “sao chép” được sản xuất trong nước. Tất nhiên, những hàng “sao chép” này không thể có được vị thơm ngon như hàng thật. Ví dụ, theo các phương tiện truyền thông địa phương, pho mát dường như được sản xuất từ dầu cọ chứ không phải từ sữa.

Kể từ khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng cách đây 1 năm, Nga nhập hơn 39% dầu cọ. Theo cơ quan giám sát nông nghiệp Nga Rosselkhoznadzor, phần lớn số dầu cọ này là để sản xuất phô mai, hiện đang chiếm tới 50% lượng phô mai đang được bày bán trong các siêu thị.

Tuy nhiên, theo Fiona, trừng phạt từ phương Tây chỉ là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng tăng giá trên. Trước khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực, nền kinh tế Nga đã có những dấu hiệu suy thoái. Sau đó, giá dầu giảm mạnh, kéo đồng rúp xuống theo. Kết quả là, tất cả những nguyên nhân đó đã khiến lạm phát tăng. Trong tháng 4/2015, lạm phát đã lên tới 16%, cao gấp đôi so với cùng kì năm ngoái.

Ở Nga, ai bị tổn thương vì lệnh trừng phạt của phương Tây?
Một cơ sở chế biến thực phẩm ở Nga.

Tuy nhiên, kì lạ thay, người dân không hề tỏ ra tức giận với điều đó. Theo lời một tài xế taxi, trước đây, người Nga đã trải qua những thời điểm rất khó khăn nên giờ họ đã biết cách để tồn tại trong những hoàn cảnh tương tự.

Dù vậy, họ vẫn rất thận trọng với vấn đề tài chính của mình trước những diễn biến kinh tế hiện tại. Tờ The Moscow Times trích dẫn một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, hơn 50% người Nga đã cắt giảm chi tiêu và gần 20% người dân có thu nhập chỉ vừa đủ cho thực phẩm và nhà ở. Các chuyến du lịch từ Nga tới châu Âu giảm tới 30%. Nhiều doanh nghiệp đang phải chịu sức ép lớn. Số liệu thống kê của chính phủ cho thấy chi tiêu tiêu dùng giảm 9,8% trong một năm (tính đến tháng 4/2015).

Ở Nga, ai bị tổn thương vì lệnh trừng phạt của phương Tây?
Người dân Nga đã quen khi đối mặt với những thời điểm khó khăn.

Trong vài tuần qua, nhiều cửa hàng quần áo và nhà hàng buộc phải đóng cửa, nhiều quầy hàng tại các chợ cũng biến mất khi giá thuê mặt leo thang. Một người bán thịt giải thích, cô phải trả tới  5.000 rúp (khoảng 90 euro) một ngày để thuê một cửa hàng có chiều ngang khoảng 1m để bán thịt lợn. Ngoài ra, tiền mua thịt để bán và tiền trữ lạnh qua đêm là 4.000 rúp/ ngày. Thậm chí, mỗi lần đi vệ sinh cũng phải mất tới 100 rúp.

Như vậy, một tháng, cô mất ít nhất 270.000 rúp và sẽ phải bán rất đắt hàng mới đủ thanh toán số tiền trên.

Trong khi đó, mặc dù lạm phát tăng nhưng lương lại không hề tăng. Fiona cho hay, thống kê của chính phủ Nga cho thấy, lương còn giảm tới 13% trong một năm qua (cũng tính đến tháng 4/2015).

Đối mặt với những khó khăn kinh tế, nhiều công ty đã phải cắt giảm tiền lương và giờ làm, thậm chí còn phải sa thải nhiều nhân viên.

Bộ Lao động Nga cho biết, số lượng người chính thức đăng ký thất nghiệp tăng 3,4% lên hơn 900.000 người trong tháng 1/2015. Theo tạp chí Nga-Ấn, con số đó tương đương với việc, chỉ trong một tuần có tới 30.000 bị thất nghiệp.

Ngược lại, nhiều công ty nước ngoài đang hoạt động tại Nga lại được hưởng lợi từ những ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt. Đồng rúp mất giá đồng nghĩa với việc, các chi phí đều giảm.

Xuất khẩu cũng có lợi hơn. Các nguyên liệu thô của Nga có sức cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới khi đồng giúp giảm, chính điều này lại giúp cho nhiều người nằm trong danh sách bị trừng phạt thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Có lẽ, tác động xấu nhất với những người Nga nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây là họ bị hạn chế khi chọn địa điểm đi du lịch. Tuy vậy, như Giám đốc đường sắt của Nga Vladimir Yakunin nói, ông rất tiếc không thể Australia để ngắm các chú chuột túi, nhưng thay vào đó, ông có thể đi thăm các chú hổ tại khu bảo tồn động vật hoang dã Sochi.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang tin DW của Đài truyền hình quốc tế DW (Đức), chuyên đưa các tin và bài phân tích về các nền văn hóa và con người trên thế giới, thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia dân tộc.

PHẠM KHÁNH - infonet.vn

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN