Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Hãng tên lửa Nga: "Chúng tôi sẵn sàng thí nghiệm xác định ai bắn rơi MH17"

Thứ tư, 03/06/2015 | 01:15
Ngày 2/6, hãng sản xuất tên lửa phòng không Buk phát biểu rằng máy bay số hiệu MH17 của Hãng Hàng không Malaysia đã bị bắn rơi bởi một phiên bản cũ của Buk, hiện được quân đội Ukraine sử dụng.

Những cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục dấy lên về việc bên nào đã phóng tên lửa và bắn rơi máy bay của hãng hàng không Malaysia trên bầu trời miền Đông Ukraine, giết chết toàn bộ 298 người có mặt. Ukraine và các nước phương Tây nghi ngờ máy bay MH17 đã bị bắn hạ bởi một loại tên lửa đất đối không của Nga hoặc của quân ly khai trong khu vực. Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận điều này.

Hãng tên lửa Nga: "Chúng tôi sẵn sàng thí nghiệm xác định ai bắn rơi MH17"
Tên lửa phòng không Buk-M1.

Trong khi đó, ông Mikhail Malyshevsky, Cố vấn giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất tên lửa Buk Almaz-Antei, trả lời trong một cuộc họp báo rằng các báo cáo phân tích của hãng đều được dựa trên những tấm ảnh chụp được công bố cho công chúng. Ông nói rằng các lỗ thủng trên mảnh vỡ của máy bay đều khớp với đặc điểm của một chủng loại tên lửa Buk cùng đầu đạn của nó.

Mỗi phiên bản của tên lửa Buk đều có đầu đạn chứa những mảnh kim loại có hình dáng đặc trưng. Theo giám đốc của Almaz-Antei Yan Novikov, loại tên lửa đã bắn vào máy bay MH17 là một trong những loại khí tài của quân đội Ukraine nhưng hiện không còn được Nga sử dụng nữa.

“Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng thực hiện một thí nghiệm không gian thực với sự có mặt của các giám sát viên quốc tế và chuyên gia”, ông Novikov nói. “Chúng tôi sẽ cho phát nổ thử nghiệm một tên lửa 9M38M1 (loại tên lửa do Ukraine sử dụng) bên cạnh thân của loại máy bay tương tự như chiếc phi cơ xấu số ở đúng phương vị mà tên lửa có thể đã bắn trúng”.

“Báo cáo của chúng tôi chứng minh rằng loại tên lửa đã bắn rơi chiếc Boeing của Hãng Hàng không Malaysia trên bầu trời Ukraine chỉ có thể là loại 9M38M1 của tên lửa Buk-M1”, ông Novikov kết luận. “Loại tên lửa này đã bị ngừng sản xuất kể từ năm 1999. Do đó, hãng chúng tôi không cung cấp nó cho bất kỳ nước nào trong thế kỷ 21”.

Ông Novikov nói rằng, vào năm 2005 khi Ukraine liên lạc với hãng về việc bảo dưỡng các tên lửa Buk, họ có 991 quả tên lửa loại 9M38M1.

Quân ly khai miền Đông đã nhiều lần khẳng định họ không sở hữu bất kỳ tên lửa Buk nào vào thời điểm MH17 bị bắn hạ, mặc dù một dàn phóng tên lửa Buk đã bị phát hiện ở thị trấn Snizhne do quân nổi dậy kiểm soát chỉ vài tiếng trước khi phi cơ rơi xuống mặt đất.

Theo hãng thông tấn Interfax của Nga, phát ngôn viên của quân đội Ukraine, ông Vladislav Seleznev cho biết những tấm ảnh cùng đoạn phim ghi được cho thấy trong vùng của quân ly khai có sự xuất hiện của tên lửa Buk.

Ông Novikov và Malyshevsky nói rằng theo phân tích của công ty, dựa trên các mảnh kim loại trên thân máy bay, ta có thể xác định vị trí mà tên lửa được phóng đi. Theo họ, đó là một tên lửa có thể đã được đặt tại thị trấn Zaroshenske, còn nếu tên lửa được bắn đi từ Snizhne, tác động của nó sẽ khác.

Mặc dù các giám đốc của hãng Almaz-Antei không trực tiếp nói rằng Ukraine là bên đã bắn rơi MH17, lời phát biểu của họ đều ám chỉ ý này.

Một phát ngôn viên của Ủy ban An toàn Hà Lan, cơ quan điều tra vụ việc, từ chối không bình luận về những phát biểu của hãng tên lửa. Dự kiến báo cáo sẽ được công bố vào tháng 10 tới.

 

Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ tờ The New York Times và TASS. Đây là một nhật báo trực thuộc Công ty New York Times, được phong tặng tên hiệu "Bà tóc bạc" ("Gray Lady") và được xem là tờ báo danh giá và quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. TASS là một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, có bề dày 100 năm lịch sử. Hãng này liên kết với hơn 80 hãng thông tấn nước ngoài khác và là một trong những hãng thông tấn uy tín trên thế giới.

Anh Tuấn - infonet.vn