Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Thảm họa kép

Thứ ba, 02/06/2015 | 20:49
Cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột vũ trang kéo dài ở U-crai-na đang đẩy quốc gia Ðông Âu này vào cảnh "nồi da xáo thịt", đồng thời khiến đất nước bên bờ Biển Ðen lâm vào một thảm họa "kép" là thảm họa kinh tế và nhân đạo.

Thảm họa kép

Bức tranh kinh tế của U-crai-na đang ngày càng đen tối trong bối cảnh cuộc xung đột ở miền đông kéo dài hơn một năm qua đã đẩy nền kinh tế nước này vào tình trạng suy sụp toàn diện. Trong quý I-2015, nền kinh tế U-crai-na tiếp tục lao dốc, sụt giảm tới 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cho biết, đã hạ dự báo tăng trưởng của U-crai-na năm 2015 xuống mức âm 9%, so với mức âm 5% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. IMF cho rằng, do giá dầu mỏ tăng cao và đồng nội tệ gríp-na giảm giá mạnh vừa qua, U-crai-na sẽ phải chứng kiến mức lạm phát "phi mã", lên tới 46% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay.
Cùng với cuộc chiến khốc liệt ở miền đông, đất nước bên bờ Biển Ðen còn đang lâm vào một cuộc chiến cam go khác là chống vỡ nợ, trong bối cảnh thiếu hụt ngân sách cho các khoản chi tiêu cấp bách và trả nợ. Tổng nợ của Ki-ép ước tính khoảng 50 tỷ USD năm 2014, chiếm 71% GDP. Theo dự báo của Ngân hàng quốc gia U-crai-na, trong năm 2015, tổng nợ nước này sẽ chiếm 93% GDP. Ðến năm 2019, Ki-ép cần phải thanh toán nợ nước ngoài với số tiền là 15 tỷ USD, đây là một trong những điều kiện để U-crai-na tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chính tiếp theo của IMF. Do vậy, U-crai-na không có sự lựa chọn khác ngoài việc tiến hành cải cách triệt để. Hiện, nước này đang tiến hành thảo luận về tái cấu trúc nợ công và các khoản nợ được nhà nước bảo lãnh, nhằm bù đắp khoản thiếu hụt 15 tỷ USD trong ngân sách.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa chính quyền Ki-ép với các chủ nợ quốc tế rất khó khăn và hiện vẫn còn khoảng cách lớn giữa hai bên. Tháng 5 vừa qua, Chính phủ U-crai-na thông báo đã đề nghị Quốc hội nước này ủng hộ dự luật cho phép áp dụng lệnh hoãn trả nợ đối với việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài nhằm đối phó với những chủ nợ "vô đạo đức" và bảo vệ các tài sản nhà nước và khu vực nhà nước. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến với các chủ nợ của nước này có nguy cơ phá hỏng kế hoạch giải cứu đã được IMF dày công xây dựng.
Ðể ngăn chặn nguy cơ phá sản, chính quyền Ki-ép đã khởi động đàm phán với các chủ nợ trong khuôn khổ gói cứu trợ tài chính trị giá 40 tỷ USD kéo dài bốn năm. Cho đến nay, IMF đã thông qua khoản cứu trợ 17,5 tỷ USD cho U-crai-na, nhưng yêu cầu Ki-ép phải thực hiện những cải cách kinh tế, ngân sách và tiền tệ. Phái đoàn của IMF vừa thị sát tình hình kinh tế U-crai-na đã cảnh báo rằng, việc vi phạm lệnh ngừng bắn kư giữa chính quyền Ki-ép và lực lượng đòi độc lập ở miền đông, thất bại trong việc dàn xếp lại nợ với các nhà cho vay tư nhân, hay những rắc rối chính trị ở U-crai-na có thể khiến kế hoạch cứu trợ của IMF dành cho nước này tan thành mây khói.
Không chỉ có các khó khăn kinh tế "bủa vây" U-crai-na, Liên hợp quốc vừa cảnh báo rằng, Ki-ép đang đứng bên bờ vực thảm họa nhân đạo. Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc công bố ngày 1-6 cho biết, tính từ giữa tháng 4-2015 đến nay, hơn 6.400 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột ở U-crai-na, trong đó có 620 phụ nữ và các bé gái. Xung đột vũ trang ở U-crai-na cũng làm khoảng 16.000 người bị thương. Khoảng năm triệu người dân của quốc gia Ðông Âu này đã phải lĩnh hậu quả tồi tệ từ cuộc chiến "nồi da xáo thịt" và hơn 1,2 triệu người buộc phải tha phương cầu thực vì nội chiến leo thang.
Thảm họa "kép" nêu trên cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột vũ trang tại U-crai-na đang kéo lùi lịch sử phát triển của đất nước này. Dù hòa bình có được lập lại, phải mất nhiều năm Ki-ép mới có thể đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng và thúc đẩy hòa giải dân tộc, hàn gắn các vết thương chiến tranh. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy cánh cửa hòa bình hiện vẫn chưa hé mở với người dân U-crai-na. Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền D.Hu-xê-in vừa cảnh báo rằng, người dân U-crai-na sẽ tiếp tục là nạn nhân, nếu như các bên không chấm dứt các hành động đối đầu.

THĂNG LONG - nhandan.org.vn