Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Những gì đang chờ đợi tỷ giá đô la trong tháng 1?

Thứ tư, 14/01/2015 | 23:33
Dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương đang rỗng dần. Thị trường ngoại tệ đang chờ phán quyết của Quỹ tiền tệ thế giới, còn các nhà phân tích kinh tế đang cảnh báo sự tăng vọt tỷ giá mới.
Những gì đang chờ đợi tỷ giá đô la trong tháng 1?
Hiện tại thị trường ngoại hối Ukraine mới đang thức giấc sau kỳ nghỉ tết, tình hình vẫn trong tình trạng không ổn định. Đầu tuần tỷ giá liên ngân hàng là 19,4- 19,5, đắt hơn 50 kopek so với ngày 9/1.
Theo nhà lãnh đạo Trung tâm phân tích thông tin FOREX CLUB Ukraine Ivchenko thì sự tăng tỷ giá ngoại tệ có hai nguyên nhân: thứ nhất, diễn biến căng thẳng tình hình chiến tranh tại miền Đông. Thứ hai, đồng euro và các loại tiền của các nước SNG mất giá nhanh, cũng có ảnh hưởng làm cho đồng Grivna của Ukraine mất giá.
“ Trong tháng 1, thanh toán bằng chuyển khoản ngoại tệ có thể có tỷ giá 20 Grivna/đôla, hoặc cao hơn  thế. Dao động tỷ giá của chuyển khoản là tương đối lớn” – Ivchenko nói thêm.
Theo lời của chủ tịch trung tâm phân tích tài chính Ukraine Okhrimenko thì tỷ giá đôla phụ thuộc rất nhiều vào Quỹ tiền tệ thế giới, hiện nay đại diện của tổ chức này đang có mặt tại Kiev để  xem xét lại chương trình giúp đỡ tài chính Ukraine . “ Vì vậy hiện nay chính phủ đang cố chứng minh với Quỹ rằng tỷ giá 17 Grivna/đôla mà chính phủ dự tính cho ngân sách năm 2015 là có thể thực hiện”
“ Nếu như Quỹ tiền tệ thế giới tin và cho Ukraine vay tiền thì tiếp theo Ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục “ vẽ tỷ giá”, còn thực tế giá của thị trường ngoại tệ đen thì sẽ cao hơn 20 và cao hơn nữa. Hiện nay đồng Grivna có nguy cơ sụp đổ nhiều hơn là khả năng giữ giá. Vì vậy chúng ta hãy chờ sự tăng giá của đồng đôla” – ý kiến của Okhrimenko.
Ngoài sự phụ thuộc vào Quỹ tiền tệ thế giới, còn một số yếu tố nữa cũng ảnh hưởng tới tỷ giá ngoại tệ: Đó là thông tin về sự sụt giảm dự trữ vàng và ngoại hối của ngân hàng trung ương, những kết quả  tổng kết kinh tế suy giảm năm 2014, việc đòi nợ 3 tỷ đôla cho vay từ phía Nga.
“ Trong nước tiếp tục gia tăng căng thẳng tình hình xã hội và sự thiếu lòng tin vào  tương lai của hệ thống ngân hàng. Vì thế người dân hiện nay thiên về việc mua ngoại tệ để giữ nguồn vốn của mình. Như vậy đồng Grivna càng trở nên mất giá, nhu cầu về ngoại tệ ngày càng tăng. Hơn nữa sự chờ đợi cũng đóng vai trò quan trọng. Chính phủ đang đặt cược cho việc cải cách nền kinh tế, điều đó có thể kéo theo việc phá vỡ những mắt xích kinh tế trước đây để có lợi cho tương lai dài hạn. Việc trao đổi buôn bán giữa Nga và Ukraine năm 2014 bị giảm đi 2 lần. Xuất khẩu của Ukraine giảm 13% hay 7,5 tỷ đôla. Những thiếu hụt như vậy cũng ảnh hưởng xấu tới tỷ giá đồng nội tệ.
Theo tin tức từ ngân hàng trung ương Ukraine thì trong năm 2014 các ngân hàng Ukraine bị tổn thất tới 7,8 % vốn điều lệ hay 16 tỷ Grivna.
Cũng trong năm 2014 đồng Grivna bị mất giá hơn 2 lần, nên người dân ồ ạt rút tiền gửi tiết kiệm. Tổng số tiền bị rút năm 2014 là 126 tỷ Grivna, hay là 29% tổng số tiền gửi tiết kiệm, cao gấp 10 lần so với năm 2009. Có nhiều ngân hàng số tiền bị rút lên tới hơn 50%. Có 33 ngân hàng lớn mất khả năng thanh toán và phải đóng cửa.
Theo segodnia.