Người Việt Odessa
Tin trong nước

Xin chữ đầu xuân Một nét đẹp văn hóa của người Việt

Thứ năm, 07/02/2019 | 02:08
Từ bao đời nay cứ mỗi độ xuân về, rất nhiều lễ hội văn hóa cổ truyền lại được mở ra từng bừng trong cả nước. Như tái hiện lại truyền thống lịch sử, thúc đẩy ý thức tư tưởng tình cảm của nhân dân về quê hương đất nước, về truyền thống hào hùng của dân tộc, trong các thú chơi ngày Xuân, chơi chữ chơi thơ có lẽ là thú chơi tao nhã và thú vị nhất giành cho tất cả mọi người “Mỗi năm hoa đào nởLại thấy ông đồ giàBày mực tàu giấy đỏ Bên phố đông người qua…”

Những nét dung dị của đời sống hàng ngày đã góp phần hình thành trí tuệ nhân cách của nhiều thế hệ người Việt. Trải qua hàng nghìn năm, các thế hệ cha ông chúng ta đã tiếp nhận loại chữ tượng hình độc đáo và đã dùng nó làm phương tiện giao tiếp truyền bá trí thức và nâng cao dân trí tuyển trọn nhân tài góp phần xây dựng nền văn hiến của dân tộc. Ở đó có biết bao con người nổi tiếng văn hay chữ tốt làm rạng danh cho sử sách và cho muôn đời sau bởi tài hoa và tư cách của họ như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Văn Siêu, Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát… Vẻ đẹp cổ kính của chữ Nho qua các loại hình rất phong phú và đa dạng, đó là những câu nói gửi gắm được tâm tình, ý chí khát vọng và nhân cách của cổ nhân từ ngàn đời, sẵn sàng đem lại niềm vui, niềm xúc động cho mọi nhà, mọi người trong mỗi dịp đình đám, hiếu hỷ, lễ Tết. Mỗi chữ, mỗi câu của các cụ được treo trang trọng trong nhà vừa đẹp mắt vừa là niềm vui khuyến khích con cháu gắng học làm người.

         Cùng với thú chơi chữ của các bậc Túc Nho; tục xin chữ, tặng chữ dịp xuân về ngày càng thịnh hành, phù hợp với truyền thống hiếu học của người Việt. Nó đã thành thói quen không thể thiếu, một nét văn hóa của người Việt Nam dịp đầu năm mới

     “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”

Những ngày giáp tết, trong không khí của ngày xuân đang phủ đầy khắp các ngõ phố Thủ đô, hình ảnh những "ông đồ" ngồi giữa chồng giấy điệp hồng thắm viết Thư pháp trên các con phố, khiến Hà Nội như có một luồng sinh khí mới, rất đặc biệt, rộn ràng hơn, vui tươi hơn. Đặc biệt, người xin chữ bây giờ không chỉ là những cụ già mà phần lớn là thanh niên, thậm chí học sinh phổ thông, các cháu thiếu nhi theo bố mẹ đi chơi tết cũng muốn có một vài chữ mang về treo trong góc học tập.

 

         Chữ Hán xuất phát từ chữ tượng hình bản thân nó đã như một bức tranh, mang đầy đủ nội dung ý nghĩa, nên từ rất lâu nó đã được nâng lên thành một nghệ thuật - nghệ thuật thư pháp với Ngũ thể:  Triện - Lệ - Hành -Thảo - Chân. Thư pháp có nhiều kiểu chơi, từ những bức liễn nhỏ xíu dùng để treo cây mai đến những bức thư pháp cỡ lớn treo tường, bên cạnh những bức thư pháp viết trên giấy mành, giấy mỹ thuật, viết trên trúc thì còn có cả những sản phẩm thư pháp viết trên gỗ, viết trên bình gốm bát tràng.

          Bàn về ý nghĩa của thú chơi thư pháp ngày Tết, người lớn thì thường thích các chữ “Phúc”; “Lộc”; “Thọ” ; “An Khang” “Cát Tường”, “Như Ý”... nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu. Doanh nhân thì thích các chữ “Phát”; “Lộc”; “Tài” “Vượng” mong cho công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Các bạn thanh niên đang phấn đấu, thích chữ “Chí”, chữ “Thành”, chữ “Đạt”, chữ “Đắc”, chữ “Nhẫn”. “Chí” nghĩa là phải có ý chí quyết vượt mọi khó khăn; “Thành” có nghĩa là nên việc; “Đạt” là thoả mãn yêu cầu; “Đắc” là được, “Nhẫn” là kiên trì nhẫn nại trong mọi việc. Còn các cháu thiếu nhi thì thường được bố mẹ chọn cho các chữ “Học”, “Hiếu”, “Lễ”; “Nghĩa”, “Tiến” mong con mình lớn lên từ những điều kỳ vọng của bố mẹ trở thành những người con hiếu thảo của gia đình, một công dân có ích cho xã hội…

         Những lời cầu chúc như: “Chúc mừng năm mới”, “Mã đáo thành công”, “Phúc lộc song hoàn”, “An khang thịnh vượng”, “Tân niên hạnh phúc”, “Ngũ phúc lâm môn”... là sự gửi gắm mơ ước, tiêu chí, là một món ăn tinh thần với mục đích rất chính đáng trong cuộc sống con người, gia đình và xã hội.

       Những năm gần đây thú chơi chữ, xin chữ đầu xuân đã ngày càng được nhiều người quan tâm hơn. Cứ độ 20 tháng Chạp, ở nhiều nơi đã bắt đầu xuất hiện các ông Đồ áo the khăn xếp, dở bút nghiên, chăm chú viết chữ. Tập trung nhiều nhất là ở đoạn phố Văn Miếu, rồi đầu dốc Bà Triệu, đền Ngọc Sơn, vườn hoa Lý Thái Tổ. Các “Ông Nghè” thì nhiều, nhưng có lẽ viết “được” hơn cả là các cụ thuộc nhóm, Cảo Thơm Thư Hiên, Nhân Mỹ học đường, nhóm Hương Nam Học Đường… Còn các “Ông Nghè hiện đại” nổi tiếng hơn cả là nhóm “Nhị Thập Bát Tú”, mà đối với họ “thư pháp” thực sự đã là một nghệ thuật với các tên tuổi như họa sĩ Lê Quốc Việt, người đứng đầu phong cách Tiền Vệ, rồi Phạm Tuấn, Nguyễn Đức Dũng, Trần Trọng Dương, Nguyễn Văn Thanh, Lê Trung Kiên, Nguyễn Đạt Thức, Vũ Thanh Tùng, Nguyễn Trung Hoàng Long  ... những người thường đứng viết ở sân Văn Miếu mỗi dịp tết. Ngoài ra, còn có các nhóm thư pháp của sinh viên các trường đại học như CLB thư pháp trường ĐHKHXH&NV, Đại học Hà Nội, Đông Đô, Xây Dựng.... cũng thường tổ chức các buổi trình diễn và viết tặng thư pháp vào đầu xuân.

          Với những nét phát triển rất trầm lặng nhưng mạnh mẽ, đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của loại hình văn hóa cổ truyền này, một nét đẹp văn hóa đã vẫn và sẽ tồn tại bằng chính nội lực của mình, bất chấp sự ồn ào của một nền kinh tế thị trường đang lan sâu vào đời sống văn hóa của mọi người dân. Nhưng dù sao, nó vẫn còn mang tính chất tự phát, manh mún, có những vấn đề phản văn hóa, vì chưa thực sự có một định hướng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Điều đó không chỉ là mối quan tâm của các thư pháp gia, mà còn cần sự ủng hộ hơn nữa của các cấp chính quyền và của tất cả mọi người để làm sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn nữa một nét đẹp văn hóa của dân tộc.

btgcp.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN