Ngày 16-5, phiên xét xử vụ gian lận điểm thị THPT Quốc gia năm 2017-2018 đối với 15 bị cáo là các cựu cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, công an ở tỉnh Hòa Bình về các tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ"; "Nhận hối lộ"; "Đưa hối lộ" đã đi tới hồi kết, trước khi đi vào nghị án, HĐXX đã cho phép các bị cáo được nói lời sau cùng.
Bị cáo Khương Ngọc Chất cười rất tươi khi rời tòa sáng ngày 16-5
Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình) vẫn một mực không nhận tội. Vinh nói với những gì đã làm trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, tôi có sai phạm về quy chế, cần xử lý tới đâu bị cáo xin chịu trách nhiệm, bị cáo không biện hộ cho hành vi của mình. Tuy nhiên, một lần nữa bị cáo khẳng định không lợi dụng chức vụ quyền hạn, không nâng điểm cho thi sinh nào cả.
Cựu Trưởng phòng Khảo thí cũng đã bật khóc khi gửi những lời xin lỗi gia đình, vợ con, người thân; Vinh mong HĐXX xem xét các căn cứ, tài liệu để xét xử công minh.
Tương tự, Đỗ Mạnh Tuấn cũng nhận toàn bộ hành vi phạm tội, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân, ngành giáo dục, các bậc cha mẹ học sinh, các em học sinh, đặc biệt là những học sinh bị tác động nâng điểm năm 2018. "Bị cáo không biết dùng lời lẽ nào bào chữa cho hành vi sai phạm của mình. Việc bị cáo sai, bị cáo chấp nhận. Bị cáo xin lỗi gia đình, bố mẹ, vợ con, vì sai lầm của bị cáo mà bị ảnh hưởng" - Tuấn nói lời cuối cùng.
Lên nói lời sau cùng, bị cáo Khương Ngọc Chất, cựu thượng tá, cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Hòa Bình), đề nghị HĐXX xem xét bị cáo vô tội, bị oan sai. Chất cũng mong muốn HĐXX xem xét, đánh giá một khách quan, công tâm nhất để bảo vệ cho các bị cáo đang bị oan.
Bị cáo Nguyễn Quang Vinh
"Mong muốn HĐXX triệu tập 2 cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, mời điều tra viên của Bộ Công an để đưa chứng cứ, chứng minh bị cáo phạm tội; đề nghị VKS đưa ra chứng cứ chứng minh bị cáo phạm tội chứ không dựa vào lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn"- Chất nói.
Cựu thượng tá Công an tỉnh Hòa Bình cũng mong muốn HĐXX, VKS, các luật sư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an... xem xét đánh giá cáo buộc của VKS Tối cáo buộc tội mình. "Bị cáo khẳng định bị cáo bị oan, bị cáo mong muốn người thân tiếp tục tiếp sức cho bị cáo để bị cáo tiếp tục kêu oan, kháng cáo nếu không được xem xét tại phiên tòa này. Thậm chí đời bị cáo chưa xong, đời con cháu bị cáo sẽ tiếp tục kêu oan cho bị cáo. Đề nghị HĐXX trả tự do cho bị cáo, bị cáo bị oan"- Chất nói lời sau cùng.
Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn
Sang phần nói lời sau cùng, ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tọa phiên tòa đã cho HĐXX nghị án từ trưa nay 16-5 và dự kiến tuyên án vào ngày 21-5.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, cựu thượng tá công an khai nhận có quen biết Đỗ Mạnh Tuấn và nhờ Tuấn xem điểm cho 5 thí sinh sau khi kết thúc chấm thi. Tuy nhiên, Tuấn khai nhận giữa Tuấn và Chất đã có trao đổi từ trước. Cụ thể, khoảng tháng 5-2018, tại Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, Chất đặt vấn đề nhờ Tuấn xử lý cho một số con em trong kỳ thi này, Tuấn trao đổi lại cần có sự giám sát lỏng lẻo và Chất đồng ý.
Đến ngày 29-6-2018, Khương Ngọc Chất tới phòng khách 504 nhà khách Công an tỉnh Hòa Bình đưa thông tin cá nhân nhờ Tuấn can thiệp, nâng điểm. Lời khai này phù hợp với lời khai của Nguyễn Khắc Tuấn "thấy Chất tại tầng 5" và phù hợp với nhật ký ban làm phách ghi lại "Chất đã đến vào ngày 29-6-2018".
Cũng theo cáo trạng, Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận ngày 20-6-2018, Chất đã đưa 500 triệu đồng nhờ Tuấn can thiệp, nâng điểm cho 2 thí sinh, kết quả 2 thí sinh này đã được nâng điểm.
Mặc dù tại tòa, Chất một mực kêu oan. Tuy nhiên, theo các tài liệu, chứng cứ thu thập được VKS đã đề nghị truy tố Khương Ngọc Chất 5-6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
nld.vn