Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm vừa có công văn khẩn giao Công an TP phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc 32.000 nhà đầu tư tố bị nhóm dự án tiền ảo iFan và Công ty Modern Tech lừa đảo chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng.
Sẽ nhờ đến công an
Liên quan đến vụ việc gây rúng động này, sáng 11-4, ông Diệp Khắc Cường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển mạng lưới hữu nghị (FNC), người bị tố nằm trong nhóm sáng lập iFan - đã có buổi gặp gỡ với báo chí để nói rõ sự việc.
Nhà đầu tư tụ tập trước trụ sở Công ty Modern Tech sau khi biết bị lừa đảo Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Ông Cường phủ nhận việc hợp tác với dự án iFan và cho rằng mình cũng là nạn nhân. Còn việc ông xuất hiện trong 2 buổi hội thảo giới thiệu, kêu gọi đầu tư của iFan vào tháng 9-2017 chỉ nhằm giới thiệu về hoạt động cho FNC và dự án ông đang dự tính triển khai. Ông Cường khẳng định chưa từng ký hợp tác, thỏa thuận nào với iFan. Khi phát hiện sự việc nhóm cổ đông iFan dùng hình ảnh của ông và các ca sĩ nổi tiếng để quảng bá, bán tiền kỹ thuật số (coin) thì ông quyết định không tiếp tục hợp tác.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư có mặt tại buổi gặp gỡ báo chí cho rằng việc thấy hình ảnh ông Diệp Khắc Cường tại các buổi diễn thuyết của iFan nên tin tưởng vào dự án và đã đầu tư mua coin. "Tôi biết có nhà đầu tư đã bỏ tới 45 tỉ đồng vào dự án này khi thấy mức lãi suất quá hấp dẫn, từ 45%-48%/tháng" - anh Giang, một nhà đầu tư, phản ánh.
Anh Nguyễn Minh Thiện (người đã bỏ ra 25.000 USD mua tiền ảo iFan) xác nhận vào tháng 10-2017, nhóm phát hành tiền ảo iFan có tổ chức 2 buổi hội thảo giới thiệu các đối tác liên kết đồng tiền này. Ông Diệp Khắc Cường chính là người trình bày trước các nhà đầu tư một dự án ứng dụng (Apps) của FNC dành cho giới văn nghệ sĩ để gắn tiền ảo iFan vào ứng dụng này. Còn chị Lê Thị Hương (đầu tư hơn 20 tỉ đồng) quả quyết nhóm đầu tư của chị có đủ bằng chứng cho thấy ông Diệp Văn Cường là "cha đẻ" iFan. Cụ thể, ông Cường từng tuyên bố trên Facebook của mình rằng ông là nhà sáng lập iFan nhưng sau đó nội dung này đã bị xóa bỏ. Nhiều nhà đầu tư đã kịp chụp hình lưu giữ nội dung này.
Theo chị Hương, ông Cường đang nắm giữ của các nhà đầu tư 1,8 triệu USD để tiếp tục triển khai phát hành một đồng tiền ảo khác. Nhiều tháng trước, khi nhà đầu tư đến đòi lại tiền thì ông Cường hứa sẽ trả lại nhưng với điều kiện phải có sự chứng kiến của cơ quan công an. "Nếu ông Cường tiếp tục tuyên bố ông không liên quan đến iFan thì chúng tôi sẽ cung cấp cho cơ quan công an" - chị Hương tuyên bố.
Đến nay, đã có hơn 50 nhà đầu tư bị lừa đảo đã tập hợp đơn tố cáo và chuẩn bị gửi cho các cơ quan chức năng, công an.
Phải xử lý nghiêm vi phạm
Trong công văn khẩn của UBND TP HCM, UBND TP khẳng định các loại tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm an ninh, an toàn về hoạt động tiền tệ, UBND TP yêu cầu các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế tối đa những rủi ro bất lợi ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, tháng 1-2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền điện tử như Bitcoin tại Việt Nam. Trong tháng 1 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đã có công văn yêu cầu các công ty chứng khoán không được tham gia các hoạt động tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền ảo và phải tuân thủ các quy định về phòng chống rửa tiền. Theo cơ quan này, hiện trên thị trường có một số công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), bao gồm tiền kỹ thuật số, huy động vốn thông qua phát hành tiền kỹ thuật số (ICO) và các sản phẩm khác… Đây là những sản phẩm mới chưa được pháp luật điều chỉnh nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thời gian qua, hoạt động đầu tư vào tiền ảo thu hút sự tham gia của nhiều cá nhân trên thị trường, nhất là trong năm 2017 khi đồng Bitcoin tăng giá. Dù vậy, theo các chuyên gia tài chính, rủi ro khi đầu tư vào tiền ảo cũng là rất lớn. "Nhiều người dân chưa có hiểu biết hết về tiền ảo mà chỉ thấy đây là kênh đầu tư hấp dẫn nên lao vào. Do đó, nhà nước cần sớm có khung pháp lý cho các loại tiền ảo này" - chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh, khuyến nghị.
Tăng cường quản lý tiền ảo
Thủ tướng vừa ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Chỉ thị nêu rõ hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp, ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; phối hợp Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật. Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật. Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.
nld.vn