Đợt mưa lũ vừa qua đã gây ngập úng, sạt trượt nhiều tuyến đê bối tại xã Đinh Xá (TP.Phủ Lý, Hà Nam).
Theo người dân, từ tối 21/7, sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 cũng như nhiều trận mưa lớn, nước sông Châu Giang đã dâng cao khiến cho một phần đoạn đê Bối đi qua xã Đinh Xá đã bị vỡ và nhấn chìm hàng trăm hộ dân tại khu vực này, gây ảnh hưởng và khó khăn đến đời sống và sản xuất của bà con nơi đây.
Nước lũ dâng cao, tràn bối đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 100 hộ dân thuộc 3 thôn Tái 1, Tái 2 và thôn 7 Phạm. Toàn bộ hệ thống giao thông ngập sâu trong nước, có những khu vực nước ngập sâu gần 2m. Phương tiện di chuyển duy nhất có thể sử dụng là thuyền tôn, thuyền bê-tông…
Nhiều hộ gia đình bị ngập tầng 1, ngập mấp mé nhà vẫn chọn giải pháp kê cao đồ đạc, di dời gia súc, vật nuôi, duy trì sinh hoạt trong điều kiện hạn chế.
Hệ thống điện sinh hoạt của 3 thôn phải tạm thời ngừng cung cấp, một số hộ ngập sâu đến hôm nay vẫn chưa được cấp điện trở lại.
Nhà máy nước Đinh Xá cung cấp nước cho 12.000 hộ dân (tại 5 xã: Đinh Xá, Trịnh Xá, Liêm Phong, Liêm Cầm, Liêm Thuận) trong tình trạng phải tạm dừng hoạt động, người dân buộc phải sử dụng bể nước dự trữ vốn có giới hạn.
Theo ông Phạm Ngọc Long - Quản lý nhà máy nước Đinh Xá, đây là năm thứ 2 liên tiếp nhà máy rơi vào tình trạng này. Tháng 10/2017, trận lụt lịch sử đã nhấn chìm nhà máy.
“Nước ngập sâu hơn 1m, toàn bộ máy móc, thiết bị xử lý nước bị ngâm sâu trong nước nhiều ngày nay. Thiệt hại là rất lớn. Nhưng khó khăn hơn nữa là sau khi nước rút vẫn không thể vận hành nhà máy ngay được để cung cấp nước sạch lại cho người dân. Chúng tôi phải sấy, làm sạch hệ thống, xử lý đường ống dẫn… trước khi hoạt động trở lại”, ông Long than thở.
Tiến sâu vào các khu dân cư có nhà nhưng chẳng thể ở vì xung quanh đâu đâu cũng chỉ nhìn thấy nước lũ, bèo dại... Nhiều nơi nồng nặc mùi hôi thối của xác động vật chết mấy ngày qua.
Đã nhiều ngày nay, cứ đến bữa, ông Quyền Đình Hùng (thôn Tái 1, xã Đinh Xá, TP. Phủ Lý, Hà Nam) lại nhận cơm của các con đưa từ ngoài vào. Theo ông Hùng, mấy ngày nay nước đã rút dần, trước đó 2 ngày, nơi sâu nhất ngập hơn 2 mét, gần chạm nóc nhà cấp 4. Ông Hùng cho biết, trận lụt năm 2017 khiến ông suýt mất mạng vì nước lũ đổ về trong đêm khiến ông không kịp "trở tay".
"Tính ra, trong 9 tháng qua (tháng 10/2017 - 7/2018), gia đình tôi phải chạy loạn vì nước lũ tới 2 lần. Liên tiếp bị xáo trộn cuộc sống, làm sao gia đình tôi có thể yên ổn làm ăn. Nước ngập nhà cửa, đồ đạc ướt hết, còn cây cối, chủ yếu là bưởi Diễn sắp được thu hoạch ngập nước mấy hôm héo rũ hết ra, chán lắm các anh ạ", ông Hùng thẫn thờ nhìn ra vườn cây và nói.
Người dân ở đây cho hay, mỗi khi tiếp xúc cử tri đã kiến nghị nhiều nhưng chưa được xử lý thì lại bị vỡ lần này. Ngay khi có thông tin về tình hình vỡ và tràn đê bối, cơ quan chức năng của huyện và tỉnh cũng đã có phương án khắc phục tạm thời.
Theo ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đinh Xá: Hệ thông đê bối trên địa bàn xã có 2 điểm sụt lở gồm 8m thuộc thôn Tái 1 và 25m thuộc thôn Phạm; cùng gần 40m đê có dấu hiệu nứt. Xã đã huy động toàn bộ lực lượng, phối hợp với lực lượng Công an tỉnh, Ban chỉ huy quân sự thành phố…trực ứng cứu, kịp thời xử lý các sự cố do mưa lũ gây ra.
Làm việc với PV VOV.VN, ông Trương Quang Bảo, Phó chủ tịch UBND TP Phủ Lý cho biết, trên địa bàn TP Phủ Lý có 3 phường giáp sông là Lam Hạ, Liêm Tuyền và Đinh Xá. Trong đó, xung yếu nhất là tuyến đê bối sông Châu Giang trên địa bàn xã Đinh Xá.
Hàng năm, TP Phủ Lý đều có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát những vị trí đê xung yếu, có phương án đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, đảm bảo an toàn cho đê.
Vị trí bị sạt lở ở xã Đinh Xá đã được TP và các lực lượng chức năng cảnh báo và đây cũng là đoạn đê xung yếu mà TP Phủ Lý và tỉnh Hà Nam có kế hoạch tu bổ, nâng cấp cải tạo trong năm nay.
“Tuy nhiên, trận mưa lớn mấy ngày trước cộng với nước thủy điện xả lũ đã làm sạt lở tại 2 điểm đê bối ở đây. Vì đê bối theo quy định chỉ chịu được mức báo động dưới cấp 3 là 3.5m, tuy nhiên đỉnh lũ cao nhất ghi nhận được là 4.48m vào 4h ngày 23/7 nên phải để tràn qua.
Chúng tôi đã huy động các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ cùng xã và phương án 4 tại chỗ để ứng cứu sự cố. Đây là phương án bất khả kháng, để cứu cả tuyến đê, bắt buộc phải phá vỡ một đoạn cho nước tràn vào. Trước đó, chúng tôi cũng đã thông báo trên hệ thống loa cho bà con được biết”, ông Bảo cho biết thêm.
Theo ông Bảo, sau mưa lũ, nước rút sẽ là ảnh hưởng rất lớn đến dịch bệnh và môi trường. TP Phủ Lý đã chỉ đạo cho trung tâm y tế dự phòng chuẩn bị thuốc sát trùng và vật tư y tế cần thiết để nước rút đến đâu sẽ phun thuốc sát trùng cũng như gom xác động vật chết đem tiêu hủy, tránh dịch bệnh lây lan.
“Lo nhất là khôi phục lại nhà máy nước Đinh Xá để có nước sạch cho bà con ngay. Chúng tôi đang tính đến phương án là mở cống để nước rút ra sông. Sau đó sẽ đắp tường bao chắn xung quanh nhà máy, bơm nước ra và khôi phục hoạt động nhà máy nước sạch trong vài ngày tới…”, ông Bảo cho hay.
Hiện nước lũ đã rút khoảng 1m so với lúc đỉnh điểm. Tuy nhiên theo dự báo, miền Bắc sẽ tiếp tục có mưa lớn dài ngày trên diện rộng. Người dân Đinh Xá không khỏi lo lắng trong việc đối phó với mưa bão trong điều kiện hiện nay./.