Người Việt Odessa
Tin trong nước

Việt Nam không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy

Thứ hai, 29/06/2020 | 23:37
Quan điểm này được đưa ra tại hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) .

 Quốc hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3). Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh – Chủ tịch AIPACODD 3, điều hành Hội nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và phát biểu khai mạc tại hội nghị.

Việt Nam không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh Quochoi.vn)


Hiểm họa ma túy ngày càng trở nên phức tạp

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, các mối đe doạ an ninh phi truyền thống như môi trường, tội phạm công nghệ cao, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, dịch bệnh và nhất là ma túy, không chỉ là vấn đề cấp bách, mà còn là vấn đề thường xuyên, lâu dài, mang tính chất toàn cầu và khu vực. Hiểm họa ma túy trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên phức tạp, gây những hệ lụy lâu dài về sức khỏe, đe dọa an ninh  kinh tế và nhiều hệ lụy xã hội đối với tất cả các quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm nay, các nước trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN đang phải đương đầu với mối đe dọa an ninh phi truyền thống “kép”, đòi hỏi có sự đoàn kết, nỗ lực hợp tác ứng phó của tất cả các quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN là: không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy. Quốc hội Việt Nam đã luôn nỗ lực hoàn thiện luật pháp, tăng cường giám sát trong lĩnh vực này. 

Năm nay, Quốc hội Việt Nam đã chọn chủ đề của Hội nghị “Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy” nhằm lồng ghép nỗ lực chung của AIPA xây dựng một ASEAN gắn kết và thích ứng trong lĩnh vực phòng, chống ma túy. Chiến lược phòng, chống ma túy cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, trong đó, lấy con người làm trung tâm, tập trung chỉ đạo việc mở rộng quy mô, diện bao phủ của các chương trình cai nghiện, bao gồm các chương trình phục hồi tại cộng đồng, giúp người sử dụng ma túy được hòa nhập với xã hội và sống một cuộc sống không có ma túy.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc gia trong phòng, chống ma túy và điều trị nghiện ma túy; đồng thời, các nghị viện thành viên AIPA cũng cùng rà soát, đánh giá việc thực hiện các cam kết, tăng cường vai trò của các nghị viện, các nghị sĩ trong việc hiện thực hóa các cam kết, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh cho mọi người.

 

Hướng tới tầm nhìn xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy

Cập nhật tình hình ma túy và công tác phòng, chống ma túy trên thế giới và trong khu vực, dự báo các vấn đề mới nổi trong giai đoạn tới, ông Inshik Sim, Nghiên cứ viên về Ma túy bất hợp pháp Khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương cho biết: Lợi nhuận hàng năm của hoạt động sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực Đông Nam Á ước tính lên đến 71 tỷ USD. Các băng nhóm tội phạm có tổ chức tăng cường sản xuất ma túy nhằm mục đích mở rộng thị trường. Diện tích trồng cây thuốc phiện ở Myanma đã giảm xuống còn 33.000 ha, giảm 11% so với năm 2018.

Việt Nam không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh Quochoi.vn)

Theo ông Inshik Sim, số lượng các loại chất kích thần, bao gồm cả thuốc phiện dạng tổng hợp, được báo cáo từ khu vực tăng đều đặn. Do đó, một hệ thống phòng ngừa hiệu quả ở cấp địa phương hay toàn quốc cần được lồng ghép vào một hệ thống lớn hơn, lấy y tế làm trọng tâm, mang tính cân bằng trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến ma túy bao gồm giảm cung, điều trị những rối loạn về sử dụng ma túy và giảm thiểu các nguy cơ rủi ro có liên quan đến sử dụng ma túy:

Ông Inshik Sim cũng cho rằng, hiện nay thị trường ma túy bất hợp pháp mang quy mô lớn và ước tính số người sử dụng ma túy tương đối lớn. Việc giải quyết vấn đề mang tính y tế và quyền con người này rõ ràng là cấp thiết và quan trọng, đặc biệt là ở chỗ nó có ảnh hưởng lớn hơn đến những người trẻ. Ông Inshik Sim đề nghị cần  phải có một sự thay đổi trong nhận thức từ chỗ coi những người sử dụng ma túy là “những người tội phạm bê tha”, cần bị giam giữ hay kết án đến chỗ coi họ là những thành viên trong xã hội cần đến các dịch vụ về y tế, tâm lý và phúc lợi xã hội.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh kiến nghị cần tiếp tục hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống ma túy, nhất là công tác Dự phòng, điều trị nghiện ma túy theo khuyến cáo của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề ma túy năm 2016.

Trước xu hướng hợp pháp hóa ma túy và kiến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc đưa cần sa và các chiết xuất từ cần sa ra khỏi danh mục kiểm soát của Liên hợp quốc, Việt Nam khẳng định ủng hộ với quan điểm của ASEAN và nhiều nước về thái độ không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy, kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy./.

 

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN