Người Việt Odessa
Tin trong nước

Việt Nam hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

Chủ nhật, 17/06/2018 | 07:54
Tại Cần Thơ, từ 18-20/6/2018, sẽ diễn ra “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững”. Nhân sự kiện này, TG&VN giới thiệu những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và kế hoạch hành động quốc gia chủ động ứng phó với BĐKH vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.

BĐKH đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH do có bờ biển dài.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiều loại hình thiên tai và thời tiết cực đoan diễn ra với quy mô và tần suất ngày càng lớn. Tại Hội nghị LHQ về BĐKH (COP 23) ở Born, Đức (11/2017), số liệu thống kê cho thấy trên toàn thế giới, từ 1996-2016, thiên tai do BĐKH làm chết 520.000 người, gây thiệt hại kinh tế 3.160 tỷ USD. 

Việt Nam được dự đoán bị tác động nặng nề nếu khí hậu tăng lên 1oC và nước biển dâng cao 1m. Trong 45 năm (1956-2000) có 311 cơn bão và áp thấp ảnh hưởng đến Việt Nam. Mỗi năm chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ riêng năm 2007, thiên tai đã làm thiệt hại 11.600 tỷ đồng, hơn 400 người chết, mất tích; làm ngập và hư hại 113.800 ha lúa, phá huỷ 1.300 công trình đập, cống thủy lợi. Đặc biệt, theo các kịch bản BĐKH của Việt Nam, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước. Khi đó sẽ có 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP. Đặc biệt, 20% diện tích TPHCM sẽ bị ngập.

Việt Nam hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường toàn thế giới.

Thay đổi toàn diện quá trình phát triển

BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường toàn thế giới. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế-xã hội trong tương lai. Vấn đề BĐKH đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế… trên phạm vi toàn cầu.

Từ năm 1980 đến nay, hoạt động của con người làm gia tăng phát thải khí nhà kính (KNK) dẫn đến nhiệt độ bề mặt trái đất tăng. Sự nóng lên toàn cầu làm tăng nhiệt độ không khí và đại dương, làm tan băng diện rộng, dẫn tới tăng mực nước biển toàn cầu. Trong 100 năm (1906-2005), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,74oC, tốc độ tăng nhiệt độ 50 năm gần đây gần gấp đôi 50 năm trước đó. Trong thế kỷ XX, nhiệt độ trung bình của không khí gần mặt đất đã tăng 0,6oC. Các nhà khoa học dự báo nhiệt độ trái đất trong thế kỷ XXI còn có thể tăng từ 1,1 - 6,4oC.

Các nhà khoa học tại COP 21 (2015) cho rằng “tăng 2oC là ngưỡng nguy hiểm; tăng 3oC, các đại dương sẽ giãn nở, băng tan làm nước biển dâng 60cm, nhấn chìm nhiều khu vực ven biển, làm cho thời tiết khắc nghiệt hơn và thiên tai lũ lụt nhiều hơn…

Việt Nam nằm trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH 20 năm qua vì bão, lũ và sạt lở đất (chuồi), theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu do tổ chức Germanwatch (Đức) công bố tháng 12/2015. Trong đó, ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh). Tác động của BĐKH đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. Theo Ủy ban liên chính phủ về BĐKH, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng.

BĐKH tại Việt Nam còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp: Mực nước biển dâng làm tăng diện tích bị xâm nhập mặn, mất đất canh tác nông nghiệp, gia tăng xói lở bờ biển, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, đô thị, khu dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống...; Nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm tăng rủi ro an ninh lương thực. Nhiệt độ tăng, độ ẩm cao còn làm các loài vi khuẩn phát triển mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chất lượng các công trình, chi phí bảo quản...; Gia tăng tính cực đoan của thời tiết, làm cho thiên tai nguy hiểm hơn: Hạn hán, thiếu nước ở nhiều nơi hơn. Đất hoang mạc hóa mở rộng, thậm chí bị sa mạc hóa. Nguy cơ mất an ninh về nước sẽ sớm hơn dự báo. Lũ lụt cũng nặng nề hơn…

Dưới tác động của BĐKH, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.

Chủ động ứng phó

Trong điều kiện chịu tác động của BĐKH, những đập thủy điện được xây dựng ngày một nhiều phía thượng nguồn sông Mekong đã mở đường cho xâm nhập mặn lấn sâu vào ĐBSCL trong mùa khô, khiến cuộc sống của gần 20 triệu cư dân sống nương nhờ nông nghiệp, đánh bắt cá đang bị đe dọa. Theo ước tính của CGIRA, Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế, đến năm 2030, cả vùng hạ lưu ĐBSCL sẽ bị bao phủ bởi khoảng 470 đập thủy điện lớn nhỏ. Vì vậy, TS. Naruepon Sukumasvin, Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong Quốc tế cảnh báo: “Các dự án phát triển thủy điện làm ngưỡng đói nghèo gia tăng. Sản lượng đánh bắt cá ở hành lang sông Mekong sẽ giảm khoảng 1,57 tỉ USD”.

Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH. Ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần 7, BCH TƯ khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nghị quyết là cơ sở cho việc thống nhất nhận thức và hành động, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bố trí nguồn lực của Nhà nước về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình phát triển mới để đạt được nền kinh tế xanh, phát triển bền vững ở nước ta trong tương lai.

Để triển khai đồng bộ, Chính phủ cũng ra Nghị quyết số 08/NQ-CP (23/1/2014) ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Đảng, nhằm mục tiêu đến 2020, về cơ bản chủ động được trong thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải KNK; phải đạt được những chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững… hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Thủ tướng cũng ký Quyết định ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ngày 10/5/2017. Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.

Đặc biệt, nhận thức được nguy cơ, thách thức từ BĐKH, đòi hỏi một tầm nhìn, định hướng chiến lược với các giải pháp toàn diện, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực để ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững ĐBSCL, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng cá xuất khẩu của cả nước. Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng thêm 1m, ĐBSCL sẽ ngập chìm từ 19-38%, riêng Bến Tre sẽ ngập tới 50,1% diện tích...

Căn cứ vào các chủ trương, chính sách ứng phó với BĐKH đã đề ra, thời gian qua, các cơ quan trung ương và địa phương đã hành động tích cực nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách thành các giải pháp ứng phó với BĐKH như: Tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức ứng phó với BĐKH; Đổi mới, hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực thi chính sách, phát luật về ứng phó với BĐKH; Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với BĐKH; Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong ứng phó với BĐKH; Đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đối tác chiến lược về ứng phó với BĐKH như đẩy mạnh tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận song phương, đa phương về BĐKH, chủ động xây dựng các thỏa thuận, hiệp định đa phương và song phương, tăng cường vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế về BĐKH cũng như chủ động hợp tác với các quốc gia phát triển về BĐKH như Hà Lan để xây dựng Kế hoạch châu thổ ĐBSCL...; Tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH như tăng đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cho công tác ứng phó BĐKH, khai thác hiệu quả nguồn hỗ trợ phát triển chính thức…

Nói chung, để thích ứng với BĐKH, Việt Nam đã triển khai rất nhiều mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai… kết hợp giải pháp sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng các hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền kiến thức về BĐKH đến rộng rãi nhân dân, giúp họ hiểu đúng bản chất của BĐKH để thích nghi, chủ động điều chỉnh hành vi, tiến tới sống chung với BĐKH.

baoquocte.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN