Người Việt Odessa
Tin trong nước

Vì một Thủ đô không bếp than tổ ong

Thứ năm, 09/07/2020 | 01:16
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến ngày 31-12-2020 loại bỏ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái.

Hiện nay, mỗi ngày, người dân thành phố Hà Nội tiêu thụ hơn 520 tấn than, từ đó thải ra môi trường gần 1.900 tấn khí CO2, bụi mịn (PM2.5) và nhiều khí thải độc hại khác. Đây không phải là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất nhưng cần loại bỏ, bởi khi đốt than sẽ thải ra môi trường các khí độc hại, như: CO, CO2, SO4. Nếu hít thở thường xuyên các khí này sẽ gây ra hiện tượng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn... Bụi thải trong quá trình đốt than cũng đi vào đường thở, gây viêm phế quản, hen suyễn và ảnh hưởng đến chức năng phổi, suy giảm khả năng hoạt động tim mạch. Nhiều gia đình sử dụng bếp than tổ ong trong nhà, lượng khí độc hại thải ra khiến thành viên sinh sống trong nhà đó bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe; nếu đặt bếp ở vỉa hè, đường phố thì ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường... Vậy nên, việc Hà Nội loại bỏ bếp than tổ ong trong sinh hoạt hằng ngày là việc làm cần thiết và cấp thiết.

 
Bụi thải trong quá trình đốt than có thể đi vào đường thở, ảnh hưởng đến chức năng phổi, suy giảm khả năng hoạt động tim mạch. Ảnh: Internet

- Thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30-10-2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả nào, thưa ông?

- Nếu tính từ thời điểm tháng 1-2017, toàn thành phố còn khoảng 56.700 bếp than tổ ong, thì đến tháng 6-2020, chỉ còn hơn 15.000 bếp, giảm được gần 73%. Kết quả này đã giúp 160.000 hộ dân ở Hà Nội không phải tiếp xúc với các khí độc từ than tổ ong. Hơn nữa, việc giảm gần 73% bếp than tổ ong giúp chỉ số PM2.5 thải ra môi trường giảm từ 2.300 tấn năm 2017 xuống còn hơn 1.600 tấn năm 2020; khí monocacboxit (CO), khí độc trong thành phần than tổ ong giảm từ 26.800 tấn xuống còn 8.000 tấn... Các địa phương triển khai hiệu quả Chỉ thị 15/CT-UBND là: Hoàn Kiếm giảm 100% bếp than tổ ong; Sóc Sơn 99%, Ứng Hòa 98%, Long Biên 91%...

- Theo lộ trình, đến ngày 31-12-2020, thành phố Hà Nội sẽ loại bỏ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong kinh doanh và sinh hoạt. Vậy, xin ông cho biết những công việc cần gấp rút triển khai từ nay đến cuối năm để thực hiện được mục tiêu đặt ra?

- Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 15/CT-UBND, trong đó, tập trung vào một số giải pháp căn cơ. Cụ thể, các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng và ban hành các quy định đặc thù nhằm hỗ trợ người dân thay thế bếp than tổ ong; giới thiệu các loại bếp công nghệ mới và hỗ trợ một phần kinh phí cho các gia đình chính sách, hộ nghèo mua bếp từ, bếp gas...

Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của khí thải do than tổ ong gây ra để người dân chuyển sang sử dụng các loại bếp thân thiện với môi trường... Từ ngày 1-1-2021, cá nhân, hộ gia đình nào sử dụng bếp than tổ ong mà gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị quyết 155/NĐ-CP của Chính phủ. Khi chính quyền và nhân dân cùng quyết tâm vào cuộc, mục tiêu xóa bếp than tổ ong vào cuối năm nay của thành phố chắc chắn thành hiện thực.

- Bên cạnh việc xóa bếp than tổ ong, thành phố có những giải pháp gì đối với các nguồn ô nhiễm còn lại, thưa ông?

- Hiện nay, thành phố không chỉ triển khai các giải pháp xóa bếp than tổ ong nêu trên mà còn đang triển khai 19 giải pháp tổng thể nhằm cải thiện chất lượng không khí. Trong đó, thành phố đã đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động và đang làm thủ tục tiếp nhận thêm 30 trạm quan trắc cảm biến, đầu tư 17 trạm quan trắc cố định, 1 xe quan trắc lưu động. Dự kiến, đến năm 2021 đưa vào hoạt động, kết nối đồng bộ, giúp thành phố đánh giá một cách chính xác về nguyên nhân, thời gian, loại bụi, chất ô nhiễm từng khu vực... Trên cơ sở đó, xây dựng giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả nhất.

Ngoài ra, thành phố đã triển khai tưới nước rửa đường trong những ngày thời tiết nắng nóng để giảm nồng độ bụi phát sinh; đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; giao các sở, ngành xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường để thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh nhằm giảm phát thải ra môi trường.

Mặt khác, thành phố đang chỉ đạo đánh giá công tác quy hoạch cây xanh, mặt nước trên địa bàn; trồng nhiều cây tạo vành đai xanh, khu phố xanh, thành phố xanh...

Tôi tin rằng, với sự quyết liệt triển khai các giải pháp của thành phố, chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội sẽ dần được cải thiện; đặc biệt, mục tiêu vì một Thủ đô không bếp than tổ ong sẽ sớm trở thành hiện thực.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

hanoimoi.com.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN