Lúc 9h ngày 6-11, Tuần lễ cấp cao (TLCC) của Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chính thức khai mạc tại resort Furama ở TP Đà Nẵng với Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp APEC (CSOM) - hoạt động khởi đầu chuỗi sự kiện quan trọng kéo dài đến hết ngày 11-11.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017, đã có bài phát biểu khai mạc CSOM trước đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Mở đầu bài phát biểu, thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chào mừng các đại biểu đến Đà Nẵng, dù là trong mưa. "Nhưng sau cơn mưa trời lại nắng" - ông nói thêm.
Thứ trưởng Sơn bày tỏ vui mừng được gặp lại các nhà lãnh đạo trong phiên họp cuối và cũng là quan trọng nhất của Hội nghị quan chức cao cấp APEC.
Theo thứ trưởng Thanh Sơn, nghị trình làm việc hôm nay và ngày mai của CSOM sẽ tập trung vào hai mục tiêu chính: điểm lại các bước tiến đã đạt được trong việc hoàn thành các mục tiêu và tầm nhìn APEC trong năm nay, và hoàn thành tuyên bố chung AMM (Hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế APEC) và tuyên bố ABAC (Hội nghị Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC).
Tham dự CSOM hôm nay có hơn 200 đại biểu gồm các quan chức cao cấp (SOM) của 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF), và Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).
TLCC APEC là sự kiện quan trọng nhất năm APEC sẽ quy tụ lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC để thảo luận tương lai của các chính sách kinh tế khu vực - quốc tế, tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện sống của người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tiếp nối các ưu tiên của Peru - chủ nhà APEC 2016, Việt Nam đã lựa chọn 4 ưu tiên cho năm APEC 2017 tại Đà Nẵng, bao gồm: 1. Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; 2. Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; 3. Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; và 4. Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Minh Vũ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017, cho biết APEC và châu Á - Thái Bình Dương là khu vực trọng điểm chiến lược, tập trung các đối tác hàng đầu và các lợi ích quan trọng về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và đối ngoại.
Theo ông Vũ, với quy mô và tính chất hợp tác, APEC mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều đối tượng thụ hưởng, từ doanh nghiệp, người dân đến các cơ quan Nhà nước của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà trong bối cảnh hiện nay, tất cả 21 nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC đều sẽ đều đến dự HNCC APEC năm nay, trong đó nguyên thủ một số cường quốc hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Canada sẽ có các chuyến thăm tới Việt Nam.
"Có thể thấy, đăng cai APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao tạo cơ hội rất tốt về nhiều mặt cho đất nước, trong đó có khía cạnh đối ngoại. Đây là cơ hội để chúng ta tăng cường quan hệ với các đối tác lớn, có quan hệ mật thiết, cũng như các đối tác giàu tiềm năng khác như một số nước ở khu vực Mỹ latinh cũng là thành viên của APEC", ông Vũ nhấn mạnh.
Cùng ngày hôm nay (6-11), tại Đại học Đà Nẵng, Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017 khai mạc với sự tham dự của các đại biểu thanh niên, sinh viên các nền kinh tế thành viên tham dự, trong đó Việt Nam có 17 đại biểu.
Sau khai mạc, Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017 tổ chức đối thoại với các chủ đề: Thúc đẩy Tăng trưởng bền vững, sáng tạo và hòa nhập giữa thanh niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Làm thế nào để tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung giữa thanh niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Doanh nghiệp, sáng tạo và bền vững - Những khó khăn trong khởi nghiệp và thời đại số hóa của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đồng thời, các đại biểu sẽ thảo luận 4 nhóm chủ đề: Đóng góp của thanh niên đối với Tầm nhìn APEC hướng tới 2020 và tương lai; Hòa nhập về kinh tế, tài chính và xã hội; Phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số; Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới và các doanh nghiệp nhỏ và vừa....
tuoitre.vn