Ngày 14/11, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lần thứ 3 đối thoại với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Trưởng ban Tiếp dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cũng lần thứ 3 “sát cánh” cùng với người đứng đầu chính quyền thành phố.
Sau khi lắng nghe nhiều chia sẻ, kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Hồng Điệp mong muốn bà con chia sẻ, hợp tác cùng thành phố để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm.
Ông Điệp cũng “chốt” lại, sau 3 lần gặp thì người dân tập trung ý kiến không chỉ có khu 4,3ha (khu phố 1, phường Bình An) mà có đến 5 khu phố (thuộc 3 phường) nằm ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đối với ý kiến của người dân liên quan đến khu tái định cư 160ha, ông Điệp cho biết cần xem xét hồ sơ để người dân được hưởng quyền lợi tái định cư, đến nơi ở mới ít nhất đảm bảo điều kiện bằng nơi ở cũ.
“Sau nhiều năm rồi khó mà sửa lại như cũ. Những khuyết điểm, lỗi lầm nào mà người dân tha thứ được thì tha thứ để hợp tác chính quyền làm tốt nhất. Không phải lúc nào chính quyền cũng đúng hết”, ông Điệp mong muốn.
Trưởng Ban tiếp dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp trao đổi cùng bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi) bên lề buổi đối thoại
Tại buổi gặp gỡ hôm nay, một số trường hợp người dân tới nơi tái định cư nhưng còn “ấm ức”. Không chỉ vì nơi ở mới không bằng nơi ở cũ mà còn liên quan đến chuyện cưỡng chế. Nhiều hộ đề nghị lập hồ sơ xem xét, bồi thường.
Ông Nguyễn Hồng Điệp đề nghị TPHCM cố gắng giải quyết, để đến Tết cổ truyền người dân có nơi ở ổn định, đảm bảo cuộc sống.
“Là con cháu mà để các cụ nói cũng đau lòng, nghe trong lòng thấy có lỗi. Đây là hành động thiện tâm nhất mà cũng là sự sửa sai”, ông Điệp gửi gắm.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố luôn giữ tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân. “Một số ý kiến hơi gay gắt do bức xúc nên chúng tôi hiểu và chia sẻ. Mong muốn người dân hợp tác cùng TP để giải quyết dứt điểm để đảm bảo lợi ích chính đáng của mọi người”, ông Phong nói.
Liên quan khu tái định cư 160 ha, ông Phong cho biết lắng nghe nhiều ý kiến của người dân. Hiện, tổ công tác của Chỉnh phủ đang rà soát lại việc này, kết quả như thế nào sẽ thông báo cụ thể cho người dân.
“Sáng giờ nhiều ý kiến bức xúc vấn đề này. Khi nào có kết quả thì thông báo chính thức đến bà con cô bác”, ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết sẽ báo cáo với Chính phủ việc người dân đề nghị thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng như ý kiến 5 khu phố nằm ngoài ranh quy hoạch.
Một lần nữa ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh tinh thần lắng nghe để hoàn chỉnh chính sách tái định cư, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, cùng hợp tác để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm.
Ông cho biết sẽ giao chính quyền quận 2 và tổ công tác của thành phố nghiên cứu và trả lời cụ thể hồ sơ nhà đất của người dân trên tinh thần đảm bảo quy định pháp luật.
“Người dân không đồng tình 11 vấn đề thành phố đưa ra là bình thường thôi. Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của mình là giải quyết vấn đề Thủ Thiêm trên cơ sở lợi ích chính đáng của người dân. Những cá nhân sai phạm thì xử lý nghiêm khắc”, ông Phong nói.
Trước đó, ông Nguyễn Đình Đảng (phường An Khánh) cho biết UBND TPHCM thời kỳ trước đó đã tự ý điều chỉnh ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo ông, Thanh tra Chính phủ không đưa ra được bằng chứng thể hiện 5 khu phố (thuộc 3 phường) ở trong trong hay ngoài ranh quy hoạch. Trong khi đó, người dân có đủ chứng cứ, căn cứ pháp lý để chứng minh 5 khu phố nằm ngoài ranh.
“Chúng tôi không ăn xin mà đòi hỗ trợ đền bù. Mong Chủ tịch thành phố giải quyết công bằng, dân chủ. Tôi nói thật là không bà con nào ủng hộ chính sách bồi thường nên thành phố đừng nói giải tỏa hơn 99% đất là được sự ủng hộ của người dân”, ông Đảng nói. Ông cũng đề nghị khởi tố hình sự những người gây ra sai phạm.
Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng bày tỏ bức xúc kéo dài mười mấy năm qua vì bị cưỡng chế thu hồi đất mà không có quyết định thu hồi đất, không có chính sách tái định cư…
Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ (phường An Lợi Đông) cho biết năm 2009 bị cưỡng chế nhưng không được bồi thường, bị ghép vào nhà khác cho là nhà không số. Trong khi đó, năm 2002, lực lượng chức năng vào thiêu hủy gia cầm thì nhà có số, gia đình vẫn đóng thuế.
“Đất là đất thổ cư, đóng thuế 540m2 vậy mà khi bồi thường thì nói là nhà không số và cho là đất nông nghiệp”, bà Mỹ nói.