Người Việt Odessa
Tin trong nước

Trước đề xuất dùng "lu" chống ngập, đã có 104 hồ điều tiết nằm... trên giấy

Thứ hai, 15/07/2019 | 03:28
Các nhà khoa học cho rằng đề xuất trang bị lu cho dân chống ngập là không khả thi, thay vào đó thành phố nên làm các hồ điều tiết lớn để chống ngập.

Chuyên gia nói gì về đề xuất dùng lu chống ngập?

Chiều 12.7, tại phiên họp lần thứ 15 của HĐND TPHCM, PGS TS Phan Thị Hồng Xuân đề xuất sáng kiến nên trang bị lu cho người dân để chống ngập. Ý kiến này lập tức nhận được nhiều dư luận trái chiều. Các chuyên gia cho rằng đây không phải là giải pháp nghiêm túc cho việc chống ngập, một vấn nạn của TPHCM hiện nay.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc đề xuất giải pháp trang bị lu cho người dân chứa nước để chống ngập là không hiệu quả. Vấn đề quan trọng là trong quy hoạch đô thị phải có không gian dành cho nước.

"Ở những không gian này có thể chứa hàng triệu mét khối nước thì mới có khả năng chống ngập, chứ mỗi cái lu chứa được bao nhiêu nước đâu? Thay vì sử dụng ngân sách Nhà nước để trang bị lu cho dân đựng nước thì lấy tiền đó để làm các hồ điều tiết thì tốt hơn” - ông Sơn đặt vấn đề.

Trước đề xuất dùng "lu" chống ngập, đã có 104 hồ điều tiết nằm... trên giấy

Chuyên gia cho rằng việc trang bị lu cho dân chống ngập là không khả thi. Ảnh: M.Q

Đồng quan điểm, PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TPHCM, nhìn nhận, nhiều dự án chống ngập ở TPHCM sử dụng dữ liệu đầu vào cũ, trong khi lượng mưa và triều cường ngày càng tăng lên nên dẫn đến đường cống thoát nước quá tải chỉ sau ít năm sử dụng.

Để khắc phục tình trạng này, buộc phải sử dụng đến các hồ điều tiết (ngầm hoặc hở) để làm nơi trữ nước tạm thời, đến khi hết mưa thì bơm từ từ ra kênh rạch, đổ ra sông. Đây là cách mà các TP lớn trên thế giới đã làm từ lâu.

Tuy nhiên, ông Hồ Long Phi cho rằng, hệ thống thoát nước mới là giải pháp chính để chống ngập do mưa. Vì vậy, để giải quyết ngập triệt để cho TP, song song với việc làm hồ điều tiết, cần giải pháp tổng thể bao gồm việc đầu tư cống thoát nước, cống kiểm soát triều.

Cần giải bài toán về 104 hồ điều tiết còn nằm trên giấy

Theo quy hoạch thoát nước mưa (Quyết định 752/QĐ-TTg) đến năm 2020, TPHCM xây dựng tới 104 hồ điều tiết. Ngoài hồ điều tiết ngầm thí điểm trên đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức), đến nay chưa có dự án nào hoàn thành.

Cuối năm 2018, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (hiện sáp nhập về Ban quản lý Khai thác hạ tầng kỹ thuật do Sở Xây dựng TPHCM quản lý) đề xuất UBND TPHCM cho phép triển khai 5 hồ điều tiết chống ngập trong giai đoạn 2019-2020 với tổng số vốn đầu tư hơn 475 tỉ đồng.

Các hồ điều tiết được đề xuất xây dựng có công suất 1.500-20.000m3 bằng công nghệ hồ điều tiết cross - wave ngầm của Nhật (đã từng thí điểm đường Võ Văn Ngân).

Trước đề xuất dùng "lu" chống ngập, đã có 104 hồ điều tiết nằm... trên giấy

Cấu trúc hồ điều tiết là những môđun cross-wave bằng nhựa polypropylene được lắp ghép chồng lên nhau. Ảnh: M.Q

Theo đề xuất, 5 hồ điều tiết được triển khai tại các vị trí: công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), công viên làng hoa Gò Vấp (quận Gò Vấp), công viên khu dân cư Trần Thiện Chánh (quận 10), dải cây xanh phân cách đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), khuôn viên cây xanh đối diện Công an phường 25 (quận Bình Thạnh).

Các hồ điều tiết này có hệ thống máy bơm, cống thu nước nhằm giải quyết tình trạng ngập nước tại các khu vực lắp đặt và những tuyến đường xung quanh.

Nhưng đến nay các hồ điều tiết trên vẫn còn nằm trên giấy do vị trí làm hồ điều tiết chưa được các quận, huyện thống nhất và một số hồ khác đang trong giai đoạn tìm vốn, đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng.

cafef.vn

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN