Thạc sĩ Hoàng Việt - Giảng viên trường Đại học Luật TPHCM, thành viên Ban nghiên cứu Luật biển và hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam - đưa ra quan điểm nói trên, khi trao đổi với PV Dân trí liên quan tới vụ việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
- Từ ngày 16/7 - 26/7, Việt Nam đã 3 lần đưa ra tuyên bố khẳng định chủ quyền tại khu vực nam Biển Đông, trong đó có bãi Tư Chính và nhà giàn DK1. Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc rút tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên ,Trung Quốc vẫn ngoan cố và tiếp tục hoạt động phi pháp. Ông có bình luận gì về diễn biến này?
- Hành động của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, vi phạm các nguyên tắc cốt lõi về pháp lí để các bên giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Trước đây, Việt Nam và Trung Quốc có các văn bản hợp tác để giải quyết các vấn đề tranh chấp, như: Thỏa thuận chung về nguyên tắc chung về giải quyết tranh chấp trên biển được ký kết chuyến thăm Trung Quốc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2011; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc…
Thạc sĩ Hoàng Việt - Giảng viên trường Đại học Luật TPHCM,thành viên Ban nghiên cứu Luật biển và hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Những ngày qua, với lập luận phi pháp về “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đưa giàn khoan và đội tàu hộ tống tới khu vực bãi Tư Chính với ý muốn nắn gân Việt Nam, buộc Việt Nam phải dừng các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Trung Quốc thể hiện tham vọng muốn sở hữu, kiểm soát Biển Đông.
Việt Nam tôn trọng luật pháp và thực hiện các hoạt động cần thiết để giải quyết nhưng Trung Quốc vẫn “khước từ”, điều này đã cho thấy âm mưu của Trung Quốc.
- Với diễn tiến hiện nay, ông có lo ngại tình hình ở khu vực nam Biển Đông sẽ leo thang căng thẳng?
- Tôi dự đoán sẽ không leo thang thêm căng thẳng. Vì sao? Với tình hình quốc tế hiện nay Trung Quốc không có lợi thế nhiều. Mặc dù Trung Quốc mạnh nhưng Trung Quốc cũng đang “vướng” một số vấn đề khác, đặc biệt là chiến tranh thương mại với Mỹ.
Lúc này, Trung Quốc đang cần có sự ủng hộ của các quốc gia khác, trong đó có ASEAN và Việt Nam - quốc gia cửa ngõ quan trọng. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc cũng không muốn làm cho diễn biến căng thẳng hơn, trong khi đó Việt Nam luôn muốn giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình, hòa hiếu.
- Hành động gây hấn lần này của Trung Quốc có sự giống và khác nhau như thế nào so với năm 2014 - khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam?
- Sự gây hấn của Trung Quốc năm 2014 và năm 2019 có điểm chung về mục đích. Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và dựa trên yêu sách mơ hồ về “đường lưỡi bò” để đòi quyền sở hữu, kiểm soát 80% Biển Đông. Trung Quốc muốn dùng sức mạnh của mình để thực hiện hành động phi pháp, biến “đường lưỡi bò” trong mơ hồ thành hiện thực.
Lô dầu khí 06-1 Việt Nam đang khai thác hợp pháp bị Trung Quốc gây hấn (ảnh: VPN)
Cuộc gây hấn lần này của Trung Quốc khác biệt so với năm 2014 về mức độ. Lần trước, giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc điều tới lớn hơn, hoạt động vi phạm chủ quyền rầm rộ hơn và Trung Quốc thách thức công khai. Lần này, Trung Quốc sử dụng giàn khoan và đội tàu hộ tống di chuyển tới nhiều vị trí, luôn luôn thách thức quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đòi hỏi sự kiên nhẫn của Việt Nam trong giải quyết vấn đề.
- Trong bối cảnh hiện nay, để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông mà không xảy ra xung đột vũ trang thì Việt Nam cần làm gì thưa ông?
- Chúng ta phải kiên nhẫn, vì Trung Quốc cũng rất khôn khéo và không sử dụng lực lượng quân sự vào diễn biến lần này. Tôi cho rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật “bắp cải” như từng làm với Philippines năm 2012, để xâm phạm bãi Tư Chính và giàn khoan DK1 của Việt Nam.
Xin được nhắc lại năm 2012, trong âm mưu của mình, Trung Quốc dùng chiến thuật “cải bắp” với nhiều lớp tàu như cây cải bắp dể vây quanh khu vực tranh chấp. Cụ thể: Trung Quốc bao vây bãi cạn Scarborough bằng rất nhiều tàu. Khi Philippines không có đủ lực lượng tàu chấp pháp đã điều thêm tàu hải quân tới khu vực bãi cạn Scarborough đã tuyên bố chủ quyền.
Lấy cớ đó, Trung Quốc la lên rằng vấn đề dân sự nhưng Philippines lại đưa hoạt động quân sự vào giải quyết và buộc Philippines phải rút tàu hải quân. Tuy nhiên, khi không còn tàu quân sự Philippines hiện diện, các dân quân biển của Trung Quốc đã kiểm soát khu vực Scarborough.
Với tiến diễn tại bãi Tư Chính hiện nay, chúng ta phải bình tĩnh để không bị mắc vào cái bẫy mà Trung Quốc đang giăng ra. Nếu chúng ta không kiềm chế được mà manh động thì sẽ tạo cớ cho Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta không hành động gì, chúng ta phải kiên nhẫn và kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng đội tàu hộ tống khỏi vùng chủ quyền của chúng ta.
Tàu tuần duyên của Trung Quốc tăng cường gây sức ép tại bãi Tư Chính (ảnh: Twitter)
- Nói như vậy có nghĩa là để bất kỳ xung đột quân sự nào xảy ra ở bãi Tư Chính thời điểm này cũng là thiếu sáng suốt?
- Tôi cho rằng, Trung Quốc đang muốn thử thách sự kiên nhẫn của Việt Nam. Trung Quốc cũng không muốn đẩy vấn đề lên thành xung đột quân sự, bởi sẽ nó sẽ không có lợi cho uy tín và vị thế của Trung Quốc.
Đặt giả thiết nếu xung đột quân sự, chưa biết bên nào mạnh bên nào yếu, nhưng chắc chắn sẽ gây nên chiến tranh thế giới lần thứ 3 trên Biển Đông. Tôi cho rằng Trung Quốc không muốn điều đó xảy ra và Việt Nam càng không bao giờ muốn, vì vậy tốt nhất là nên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế.
- Philippines đã từng thắng kiện Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông. Trước những hành vi vi phạm ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc, nhiều người cho rằng Việt Nam cũng nên khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Ông có nghĩ đó là thượng sách?
- Việc này tôi rất tán thành, đó là việc cần thiết. Trong tình hình thế giới hiện nay, tôi nghĩ việc khởi kiện là chuyện bình thường.
Tôi là thành viên Ban nghiên cứu của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về Luật biển và hải đảo. Ngày 25/7, Liên đoàn Luật sư đã thông báo về việc tôi sẽ cùng một nhóm Luật sư và đối tác quốc tế chuẩn bị các phương án, thủ tục để Liên đoàn Luật sư báo cáo với các cơ quan chức năng và giới chức quan trọng nhằm cân nhắc khả năng khởi kiện Trung Quốc.
Trở lại vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, Philippines đã thắng kiện rất lớn và có tính danh quan trọng, nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng có một vấn đề chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, những phán quyết của Tòa án quốc tế không có cơ chế để bắt buộc thi hành.
Xin trận trọng cảm ơn ông!
dantri.com.vn