Ngày cuối cùng của tháng 7, ba thông tin thời sự thu hút sự chú ý đặc biệt của xã hội, đó là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tập trung, tích cực phát hiện sai phạm, đẩy nhanh xử lý và xử lý nghiêm minh những vụ án tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận về hàng loạt sai phạm của nhiều tập thể, cá nhân, trong đó nổi bật là những sai phạm của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và một số cá nhân giai đoạn 2011-2016; Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và một số cá nhân; sai phạm của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã được làm rõ, đề nghị mức kỷ luật là miễn nhiệm tất cả các chức vụ. Bị can Trịnh Xuân Thanh, đối tượng chính trong vụ sai phạm tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam sau gần 1 năm lẩn trốn đã ra đầu thú.
Phóng viên VOV trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển để cùng bình luận về những diễn biến mới này.
PV: Ông có bình luận gì về những diễn biến mới trong công tác phòng chống tham nhũng sau những thông tin trên?
TS Hoàng Ngọc Giao: Qua theo dõi kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư chủ trì, cá nhân tôi có phần phấn khởi, bởi công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng đã có những bước đi kiên định.
Tôi mong việc phòng chống tham nhũng phải quyết liệt hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc nêu ra các vụ việc, không chỉ dừng lại ở kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mà phải đi đến tận cùng. Đó là công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ thu hồi được bao nhiêu tài sản về cho ngân khố quốc gia. Đây là kết quả cuối cùng của quyết tâm chống tham nhũng.
PV: Thu hồi tài sản tham nhũng đang là vấn đề tồn tại của công tác phòng chống tham nhũng. Ông có suy nghĩ gì về thực tế này?
TS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi, như vụ ông Vũ Huy Hoàng, cần làm rõ tài sản của ông này; tương tự như vậy cũng cần làm rõ với Thứ trưởng, với Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường có biệt phủ; giám đốc công an… Những câu chuyện đó, muốn làm cho công minh, không chỉ dừng lại ở các biện pháp xử lý của Đảng mà phải khởi tố vụ án, có điều tra và chứng cứ đầy đủ, trên cơ sở đó mới xử đúng người đúng tội, và có các chế tài để tịch thu tài sản.
Một nhà nước pháp quyền công minh, chúng ta phải cho họ cơ hội tự bảo vệ tài sản của họ trước tòa, tài sản nào họ có được do lao động chân chính, tài sản thuộc về họ hàng, bố mẹ thì để họ được giữ. Còn tài sản do lợi dụng chức quyền, vi phạm pháp luật mà có thì phải trả lại cho nhân dân.
Có thể thấy, Đảng đã bắt đầu cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng rất tốt, người dân đồng tình ủng hộ và phấn khởi. Về mặt chính trị chúng ta đã làm được rồi, giờ tiếp tục về mặt tư pháp. Đảng nên quán triệt kiên định theo hướng đó để đạt được kết quả cuối cùng, công tội rõ ràng, tài sản không phải của anh thì phải trả lại cho nhân dân.
PV: Liên quan đến vụ việc đối tượng Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau gần 1 năm bỏ trốn, việc này sẽ tạo ra bước ngoặt như thế nào trong việc truy tới cùng sai phạm ở Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam cũng như các vụ án khác, thưa ông?
TS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi, Trịnh Xuân Thanh là một mắt xích quan trọng trong việc làm thất thoát tài sản một thời gian dài với khối lượng tiền rất lớn. Tuy nhiên, để làm rõ lý do, nguyên nhân dẫn đến thất thoát đó thì không thể chỉ dựa vào câu chuyện ông này từng lãnh đạo doanh nghiệp này trong thời gian xảy ra sai phạm nên ông phải chịu trách nhiệm. Câu chuyện này cần được đi sâu hơn nữa, ví như việc xin ý kiến chủ trương như thế nào… phải được đưa ra để xem xét một cách toàn diện và đầy đủ, có như vậy mới minh bạch, công khai.
PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không còn lẻ mẻ từng vụ, từng việc nữa mà đã trở thành phong trào, xu thế và được làm có bài bản. Theo ông, điều này có ý nghĩa gì trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” hiện nay?
TS Hoàng Ngọc Giao: Cho đến thời điểm này tôi rất đồng tình với Tổng Bí thư rằng chúng ta đang làm có bài bản. Tổng Bí thư cũng đã từng nói với cử tri về câu chuyện này. Hy vọng, sự quyết liệt, kiên định của Đảng trong công tác chống tham nhũng sẽ được tiếp tục về mặt pháp luật.
PV: Theo ông, làm thế nào để ngăn chặn được tình trạng trên quyết liệt, nhưng ở dưới còn thờ ơ, đủng đỉnh trong phòng chống tham nhũng như Tổng Bí thư từng chỉ ra?
TS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi, kỷ cương trong gia đình hay trong một xã hội cũng như vậy, phải nghiêm từ trên xuống. Làm được như vậy chắc chắn sẽ góp phần răn đe với những đối tượng chưa bị “lộ”, lấy lại niềm tin cho dư luận, và có cơ hội để tìm được những người tâm huyết, trong sạch làm việc.