Người Việt Odessa
Tin trong nước

Tiền công đức cho nhà chùa hay cho sư: Phải kiểm toán

Thứ bảy, 26/10/2019 | 03:43
Các ĐBQH cho rằng, mặc dù cơ sở tôn giáo nói chung, tiền công đức nói riêng “không phải đối tượng của kiểm toán” nhưng số tiền này cần phải công khai minh bạch và có cơ chế kiểm soát.

Chiều 25/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Thời gian qua có nhiều ý kiến đặt ra vấn đề có nên hay không kiểm toán tiền công đức tại các chùa nhằm minh bạch nguồn tiền do người dân, doanh nghiệp công đức, đóng góp vào các cơ sở thờ tự.

Tiền công đức cho nhà chùa hay cho sư: Phải kiểm toán
 
Cần có cơ chế kiểm soát tiền công đức

Câu chuyện càng được quan tâm hơn khi mới đây, Đại đức Thích Thanh Toàn (SN 1976 ở Quảng Trị, trụ trì chùa Nga Hoàng, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2008) sau khi bị tố “gạ tình nữ phóng viên” đã xin được hoàn tục với khối tài sản cá nhân đi kèm ước tính lên tới 200-300 tỉ đồng.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III - Kiểm toán Nhà nước cho biết, về nguyên tắc, nguồn lực tại các cơ sở thờ tự, đền chùa là một loại quỹ công cần phải có cơ chế kiểm soát và phải được kiểm toán.

Tương tự, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, mặc dù cơ sở tôn giáo nói chung, tiền công đức nói riêng “không phải đối tượng của kiểm toán” nhưng số tiền này cần phải công khai minh bạch và có cơ chế kiểm soát.

 
Tiền công đức cho nhà chùa hay cho sư: Phải kiểm toán
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Hà Nội)

Theo đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn đại biểu Hà Nội) cho rằng, những khoản đóng góp của người dân bằng hình thức tự nguyện theo hộ, tổ chức thậm chí những nơi tín ngưỡng thì cần phải có cơ chế riêng để kiểm soát. Trong mỗi một tổ chức xã hội thì đều có bộ máy kiểm soát hệ thống đó. Ví dụ Hội chữ thập đỏ nếu huy động tiền thì phải kiểm soát tiền ủng hộ đó sử dụng đúng mục đích, mục tiêu khi huy động hay không?. Nếu kiểm soát được việc đó thì kiểm toán không cần vào kiểm toán việc này.

Trong tôn giáo cũng vậy, có cả hệ thống của lĩnh vực tôn giáo. Nếu như lợi dụng lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi thì phải có biện pháp xử lý để bảo vệ đạo lý của tôn giáo. Nên để cho những đơn vị, tổ chức đó kiểm soát lấy. Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, ở xã hội bao giờ nếu muốn duy trì được uy tín của mình thì cần phải công khai, minh bạch những gì mà người dân tự nguyện đóng góp. Bất kỳ tổ chức, đơn vị nào làm được việc này thì sẽ tạo được niềm tin của cộng đồng.

 

Cũng theo vị đại biểu này, về việc quản lý nguồn tiền công đức, việc này cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra yêu cầu cụ thể. Ví dụ trong Tôn giáo thì Giáo hội phật giáo phải có cách làm như thế nào, phải công khai công khai thông tin đó.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn đại biểu Bình Dương) cho rằng, cần phải minh bạch các nguồn thu, chi từ tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo. Bởi, tiền công đức ở chùa vốn dĩ của người dân đóng góp. Vấn đề công đức trong nhà chùa trước đây chỉ là giọt dầu, chén rượu, bây giờ cơ chế mới các phật tử có thể đóng góp vào tôn tạo, đúc chuông, đổ tượng do đó cần phải minh bạch đúng với bản chất của tôn giáo.

Tiền công đức cho nhà chùa hay cho sư: Phải kiểm toán
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Đồng Tháp)

Vị đại biểu này nhấn mạnh, các cơ sở tôn giáo cần phải tự mình minh bạch hóa các nguồn thu ấy chứ không phải đợi các cơ quan vào cuộc. Đặc biệt, vấn đề nguy hiểm nhất hiện nay là hiện tượng mạo danh - ví dụ xây dựng các cơ sở tôn giáo không đúng với quy hoạch, không đúng thủ tục, nhóm người bỏ tiền đầu tư sau đó quản lý cơ sở này để thu phí; đặt nhiều hòm công đức dù quy định chỉ đặt ở một số nơi, có sự lợi dụng; hay đặt barie vào chùa... Thậm chí một số khu du lịch tâm linh lớn hiện nay vào chùa không mất phí nhưng sử dụng các dịch vụ thì phí rất cao. Do đó, cần phải minh bạch là vì thế.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn đại biểu Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay tiền công đức của các nhà chùa, các sư trụ trì quản lý số tiền rất lớn. Dẫn đến người dân vỡ lẽ ra số tiền công đức quá to. Cụ thể như vụ sư Thích Thanh Toàn sau khi bi tố “gạ tình nữ phóng viên” đã xin hoàn tục với số tài sản trên dưới 300 tỉ, ngoài ra còn những tài sản khác chưa công bố.

Vì thế, ông Hòa kiến nghị “Bộ Nội vụ, Bộ VH-TT&DL, đặc biệt Ban trị sự TW giáo hội phật giáo VN cần phải phối hợp đề ra những quy chế, những điều kiện, quy định để làm sao quản lý tiền công đức tại các chùa. Bởi đó là tiền của nhà chùa chứ không phải tiền công đức đó là của riêng trụ trì... ”.

vietnamnet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN